Phan Chu Trinh
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:

1. Vị trí con đường

Đường Phan Chu Trinh chạy qua địa bàn ba phường Trường An, Phước Vĩnh, An Cựu, về phía Nam sông Hương, khởi đầu từ đường Bùi Thị Xuân (điểm tiếp giáp trước mặt ga Huế), men theo bờ Nam sông An Cựu qua ngã tư các đường Điện Biên Phủ, Phan Bội Châu, Nguyễn Trường Tộ, Trần Phú đến đường Hùng Vương (tiếp giáp Nam cầu An Cựu), dài 2487m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Đường hình thành từ đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc đào sông Lợi Nông (sông An Cựu). Nguyên đường này thuộc địa phận huyện Hương Thủy. Năm 1921 sát nhập một phần đường vào thành phố; đến năm 1935 sát nhập phần đường còn lại. Từ năm 1945 trở về trước, người Pháp gọi là đường Bờ sông De Forant (Quai De Forant). Trước năm 1955 là Bờ sông Phan Chu Trinh và Bờ sông An Cựu. Sau năm 1956, gộp hai đoạn làm một lấy tên là đường Phan Chu Trinh cho đến ngày nay.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Phan Chu Trinh (Nhâm Thuất 1872 - Bính Dần 1926) Phan Chu Trinh, nhà yêu nước, danh nhân văn hoá dân tộc, tự là Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu là Hy Mã; quê ở làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, nay thuộc thôn Tây Hồ, xã Tam Lộc, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ, ông vừa học chữ vừa học võ. Năm 1900, đỗ Cử nhân, sau đỗ Phó bảng, được triều đình Huế bổ làm quan Thừa biện Bộ Lễ. Ông nhiệt thành yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1905, ông từ quan, cùng các bạn đồng chí là Trần Quí Cáp, Huỳnh Thúc Kháng đi vào Nam để tìm những người cùng chí hướng và xem xét tình hình. Năm 1906, ông bí mật đi Nhật, gặp Phan Bội Châu trao đổi ý kiến. Khi về nước, ông tích cực hoạt động với chủ trương: thức tỉnh lòng dân, đề cao dân quyền. Ông gửi một bản điều trần Đầu Pháp chính phủ thư cho Toàn quyền Beau. Ông dựa vào lý tưởng cách mạng Pháp để tiến hành cứu nước. Nhưng ông không tán thành chủ trương vũ trang bạo động của Phan Bội Châu lúc đương thời. Năm 1907, ông ra Hà Nội diễn thuyết tại Trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Năm 1908, phong trào Duy Tân lên mạnh mà đỉnh cao là vụ chống thuế ở miền Trung, thực dân Pháp cho rằng ông là người cầm đầu nên chúng lùng bắt được ông tại Hà Nội, xử đày ra Côn Đảo. Tổ chức nhân quyền Pháp đấu tranh can thiệp với chính phủ của họ, ông được trả tự do sớm hơn mức án nhưng lại bị quản thúc ở Mỹ Tho. Năm 1911, ông yêu cầu và được Toàn quyền Đông Dương chấp thuận cho qua Pháp. ở Pháp, ông liên lạc và gặp Nguyễn ái Quốc cùng một vài nhà yêu nước khác. Năm 1914, ông bị Pháp bắt giam 9 tháng vì chúng nghi ông có liên hệ với người Đức. Năm 1922, vua Khải Định sang Pháp dự đấu xảo Marseille, ông viết một bức thư dài vừa khuyên vua vừa buộc tội vua, gồm 7 điều (gọi là Thư thất điều), yêu cầu Khải Định về nước gấp đừng ở Pháp làm nhục quốc thể. Năm 1925, ông trở về Sài Gòn tuyên truyền cho đường lối của ông, nhưng rồi lâm bệnh mất ngày 22/2 năm ất Sửu (4/4/1926) hưởng dương 54 tuổi ta, mộ an táng tại nghĩa địa Gò Công, làng Tân Sơn Nhất, Gia Định, (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh). Rất nhiều nhà chí sĩ cũng như các đồng chí của ông đều có thơ, liễn đối điếu ông. Nhân dân cả nước dấy lên phong trào đòi nhà cầm quyền cho tổ chức lễ tang truy điệu ông! Phan Chu Trinh để lại các tác phẩm chính: Đầu Pháp chính phủ thư; Tỉnh quốc hồn ca I, II; Trung Kỳ dân biến thỉ mạt ký, Đông Dương chính trị luận; Tây Hồ và Santé thi tập; Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam; Thư thất điều; Đạo đức và lý luận Đông Tây; Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa; Giai nhơn kỳ ngộ diễn ca. Trung tâm dự báo và khí tượng thủy văn, Phòng Cánh sát giao thông đường thủy, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phước Vĩnh, Đền thờ Đức Thánh Trần, Phủ từ Kiến Hoà Quận Công, Chùa Phước Thành nằm trên đường này.

Các bài khác