1. Vị trí con đường
Đường Hải Triều nằm trên địa bàn phường An Cựu và phường An Đông, khởi đầu từ đường Hùng Vương (giáp phía Nam cầu An Cựu), men theo bờ Nam sông An Cựu đến đầu cầu An Tây, xã Thủy An, đoạn này dài 850m. Đoạn nối tiếp, lộ giới nhỏ hơn và kéo xuống đến xóm Vạn Xăm, thuộc thôn Tam Tây, dài 900m. Đường lưu thông hai chiều, nhưng do quá chật nên rất ít xe cộ đi lại.
2. Lịch sử con đường
Đường này hình thành từ đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc đào sông Lợi Nông. Nguyên xưa chỉ là con đường đất nhỏ chạy ven sông, quanh làng, thuộc xã Thủy An, huyện Hương Thủy. Đến tháng 9/1981, xã này mới sát nhập vào thành phố. Từ 1995 trở về trước, đường mang tên Vạn Vạn. Tháng 6/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt lại tên mới là đường Hải Triều.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Hải Triều (Mậu Thân 1908 - Giáp Ngọ 1954) Nhà văn, nhà lý luận và phê bình văn học, tên thật là Nguyễn Khoa Văn, lấy bút danh Hải Triều, Xích Nam Tử; bút danh Hải Triều được xem như tên thường dùng. Ông quê ở làng An Cựu xưa, nay thuộc xã Thủy An, thành phố Huế. Ông là đảng viên thế hệ đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam. Xuất thân trong một gia đình "danh gia vọng tộc" nổi tiếng với truyền thống Nho học, tổ tiên dày công mở đất phương Nam. Năm 1927, ông 19 tuổi đã tham gia Đảng Tân Việt (sau đổi thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn). Tháng 6 năm 1930, ông vào Đảng Cộng sản Việt Nam, tham gia Tỉnh ủy Thừa Thiên. Tháng 8/1930, ông vào hoạt động ở Sài Gòn, tham gia Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1931 ông bị bắt tại Sài Gòn, sau đưa về Huế kết án 9 năm tù khổ sai và 8 năm quản thúc, nhưng đến tháng 7 năm 1932, ông lại được trả tự do. Ra tù ông tiếp tục hoạt động bí mật, đồng thời viết bài trên các báo chí hợp pháp tuyên truyền chủ nghĩa Mác và quan điểm của Đảng về nghệ thuật vị nhân sinh. Tháng 8/1940, ông lại bị bắt đưa đi an trí tại làng Ưu Điềm, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, đến tháng 3.1945 mới được thả. Ông tham gia tổng khởi nghĩa ở Huế, sau làm Giám đốc Sở Tuyên truyền Trung Bộ. Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm Giám đốc Sở Tuyên truyền Liên khu IV, Tổng biên tập tạp chí Tìm hiểu, cùng làm việc với ông có nhà văn Hồng Chương, Lương An, Trần Hữu Thung, Vĩnh Mai, Hải Thanh. Hải Triều được bầu vào Thường vụ Chi hội Văn nghệ Liên khu IV. Đến cuối đời mình, khi ông nằm trên giường bệnh ở bệnh viện Thanh Hóa, ông biết ngày cuối cùng của ông đã đến, ông gắng gượng viết những dòng chúc thư. Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã ghi lại nguyên văn chúc thư đó: "Các đồng chí văn nghệ. Đời tôi chiến đấu cho nghệ thuật và văn chương cách mạng. Các đồng chí cố gắng lên. Chúc tất cả mạnh giỏi và hôn tất cả". Ông mất ngày 6 tháng 8 năm 1954, tại bệnh viện Hà Lũng, Thọ Xuân, Thanh Hóa, sau một cơn bệnh nặng kéo dài, hưởng dương 47 tuổi, an táng tại Rừng Thông, phía Bắc thị xã Thanh Hóa, sau cải táng về nghĩa trang mang tên cụ Phan Bội Châu (phường Trường An) thành phố Huế. Ông có nhiều người con tham gia cách mạng, một người hiện là ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa 9, ông Nguyễn Khoa Điềm. Sinh thời Hải Triều là ngọn bút lý luận sắc bén của cách mạng, từng áp đảo đối phương trong những cuộc tranh luận, bút chiến về văn học. Hoàng Trung Thông đánh giá về Hải Triều như sau: "Hải Triều như tôi biết là một nhà Mác-xít chân chính, một nhà phê bình sâu sắc, một người đấu tranh cho những đường lối và quan điểm của Đảng. Ông để lại các tác phẩm chính: Duy tâm hay duy vật, Chủ nghĩa Mác phổ thông, Văn sĩ và xã hội, Về văn học và nghệ thuật". Do công lao đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và văn hóa, Hải Triều đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý. Năm 1996 ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Chùa Phước An, Chùa Báo Ân, Lăng mộ bà Dương Thị Thục mẹ đẻ của vua Khải Định, tên lăng là Tư Thông nhưng dân gian vẫn thường gọi là lăng Vạn Vạn - một công trình kiến trúc nghệ thuật lăng mộ khá tiêu biểu của nhà Nguyễn nằm cạnh đường này.