Di tích Chăm pa
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Trên đất Thừa Thiên Huế còn lại khá nhiều dấu tích và di vật Champa. Con số di tích khảo cổ Bảo Tàng Tổng Hợp Thừa Thiên Huế kiểm kê phổ thông để đề nghị bảo vệ là 44 di tích, khá đa dạng về loại hình như: nền móng của các công trình kiến trúc (tháp, đền, thành...) bia đá và trụ đá có chữ, những tác phẩm điêu khắc bằng đá (tượng, phù điêu, trang trí cột kiển trúc, đài thờ, linga, yoni)...

 

Tháp Chàm Mỹ Khánh

Tượng Bà Lồi cao gần 80 cm, có đôi vú tròn căng đang chắp tay ngồi trên tòa sen bằng đá có phù điêu vị thần với tư thế nâng đỡ, bộ LinGa lớn, phù điêu hình cầu bằng đá với hình các vị thần đang cưỡi trên bò thần, chim thần, trượng Phật ngồi trên tòa sen tại chùa Ưu Điềm; Miếu thờ Bà tam tay bằng đá ở thôn Mỹ Xuyên; nhiều dấu tích và hiện vật Chăm ở miếu Cồn Giằng, cồn Đuôi Ruồi với các ngẫu tượng Yoni, mộ, gạch nung, tượng thần Vinus ở Phong Điền; 58 hiện vật quý tìm thấy sau lần khai quật phế tích ở Vân Trạch Hòa (một tháp chàm cổ bị chôn vùi trong lòng đất), trong đó có những hiện vật quý như hoa sen 6 cánh bằng vàng dát mỏng, bệ thờ... nhiều hiện vật người dân phát hiện được như đài thờ bằng đá hình vuông, chạm khắc hình người và thú; tượng bò Nandin ở Quảng Phú...nhiều di tích lịch sử văn hóa Champa nay đa trở thành phế tích như Thành Lồi (Long Thọ), Thành Trung (Huyện Hương Trà), nền tháp ở Liễu cóc thượng (Huyện Hương Trà), ở núi Linh Thái (Huyên Phú Lộc), ở xã Phong Hiền (Huyện Phong Điền)...Bảo Tàng Mỹ Thuật Cung Đình còn bảo lưu một số lượng tượng thần Visnu, thần Uma, nữ thần Laksmi, thần Rishi, tượng vũ nữ, chim thần Garuda, voi thần Ganeisha, tượng thần Gaja, tượng sư tử, đầu Makara, tuợng khỉ Hanuman, tượng Linga, Yoni, tượng Phật, một bộ phận kiến trúc và mô típ trang trí...

Từ năm 1975 đến nay, các cán bộ Nhà Bảo tàng Huế, Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên Huế và khoa sử Trường Đại học Khoa học Huế đã có nhiều cố gắng sưu tầm nhiều hiện vật trong dân gian, nghiên cứu, tổ chức trưng bày và bảo lưu các di vật văn hóa Champa có nguồn gốc ở Thừa Thiên Huế. Đặc biệt gần đây, Tháp Mỹ Khánh ở Phú Diên Phú Vang được phát hiện. Qua khai quật khảo cổ kiến trúc cổ Chăm bị vùi sâu trong lòng cát này, tháp có hình đồ kiến trúc hình chữ nhật hướng Đông Tây, mặt bằng lớp dưới cùng dài 8,22m, rộng 7,12m. Phần cấu trúc xây dựng tháp bao gồm phần móng tháp, đế tháp, chân tháp, thân tháp, diềm mái tháp và lòng tháp hình chữ nhật. Nhận định bước đầu cho thấy tháp Mỹ Khánh thuộc dạng tháp Lùn trong nghệ thuật kiến trúc tháp Chămpa. Đây là nhóm tháp khởi đầu của kiến trúc tôn giáo Champa khi chuyển sang xây dựng bằng chất liệu bền vững, và là một trong những kiến trúc tháp có niên đại sớm nhất trong lịch sử kiến trúc tháp Chămpa hiện nay. Những phát hiện sau đợt khai quật đã cho thấy đây là một phát hiện mới nhất trong lịch sử kiến trúc tháp Chămpa không chỉ ở Thừa Thiên Huế và không chỉ giới hạn ở khu vực bắc Miền Trung.