Duy Tân
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:

1. Vị trí con đường

Đường Duy Tân nằm trên địa bàn phường Phước Vĩnh và phường An Cựu, bên kia sông Hương về phía Nam Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Trần Phú, qua trước mặt khu lăng mộ ba vua (Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân) đến đường Ngự Bình (điểm tiếp giáp với ngã tư Bánh Bèo), dài 1054m. Đường này lộ giới hiện còn hẹp và xấu, song vẫn cho lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Nguyên là con kiệt nhỏ thuộc xóm An Lăng, thôn Tứ Tây, xã An Cựu, hình thành từ cuối thế kỷ 19. Thời vua Thành Thái tại triều đã cho mở rộng, nền rải đất biên hòa. Trước đây, khu vực này thuộc huyện Hương Thủy, đến tháng 9/1981, sát nhập vào thành phố mới đặt tên đường. Trước 1985 thường gọi là đường An Lăng; trước 1995 là đường Tân Lăng. Tháng 5/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định cho đổi, đặt lại tên mới là đường Duy Tân.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Duy Tân (Canh Tý 1900 - ất Dậu 1945) Là niên hiệu của ông vua thứ 11 triều Nguyễn, tên húy là Nguyễn Phúc Vĩnh San, con thứ 5 của vua Thành Thái. Ông lên ngôi lúc mới 8 tuổi, nhưng sớm bộc lộ tư tưởng tiến bộ, có chí hướng chống Pháp. Ông đã bí mật liên lạc với tổ chức Quang Phục Hội do Trần Cao Vân và Thái Phiên lãnh đạo; ông tán đồng cuộc khởi nghĩa đánh Pháp tại Trung Kỳ, vào năm 1916. Nhưng việc đại sự thất bại, vua bị Pháp bắt lưu đày sang đảo Réunion (ở phía Đông Nam Châu Phi). Trong chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) ông gia nhập quân đội Đồng Minh chống phát xít Đức. Tháng 12 năm 1945, ông bị tử nạn máy bay trên bầu trời Trung Phi, hưởng dương 45 tuổi. Năm 1987, di cốt của ông được cải táng đưa về Huế, yên nghỉ bên cạnh vua cha Thành Thái và ông nội là vua Dục Đức. Tương truyền, lúc còn tại vị vua Duy Tân cũng có sáng tác văn chương. Nay còn lại bài thơ bằng tiếng Pháp, nhà vua viết vào năm 1915 để tặng vợ là Hoàng hậu Mai Thị Vàng. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, đây là bài thơ bằng tiếng Tây đầu tiên của nước ta. Bài thơ có tựa đề "àma chère bien aimée" qua bản dịch của Nguyễn Đắc Xuân, để tặng người yêu dấu: "Vén cánh cửa diệu kỳ Ta ngắm nhìn em ngủ Nằm trên làn chăn vi Không một tiếng động hờ Ta ngắt những đóa nhài Và những đóa cẩm chướng Ta canh chừng bên em Với đôi mi khép kín Ta lặng lẽ nguyện cầu Bỗng mắt ta nhòa lệ Và nghĩ tới những điều Chờ hai ta đêm nay". Ngôi mộ tổ họ Lê khai canh làng Dương Xuân, Điện Long Ân - một công trình kiến trúc nghệ thuật cung đình Huế đặc sắc còn khá nguyên vẹn, Khu lăng mộ của ba vua: Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân, Chùa Kim Quang, Chùa Giác Lâm nằm trên đường này.

Các bài khác