1. Vị trí con đường
Đường Hùng Vương nằm giữa ranh giới phường Phú Hội, Phú Nhuận, chạy trên địa bàn phường An Cựu, về phía Nam sông Hương, khởi đầu từ đường Lê Lợi (tiếp giáp nam cầu Trường Tiền), qua ngã tư các đường Trần Cao Vân, Nguyễn Tri Phương, qua ngã sáu trung tâm thành phố, ngã tư Nguyễn Huệ - Bà Triệu, qua cầu An Cựu đến đường An Dương Vương (điểm tiếp giáp tại ngã ba ngoẹo Giằng Xay), dài 1930m. Đường lưu thông hai chiều, riêng đoạn từ ngã sáu trung tâm thành phố đến cầu Trường Tiền cấm xe tải, xe ca trên 15 chỗ.
2. Lịch sử con đường
Đường này nguyên ủy là một đoạn của Thiên lý lộ, hình thành từ thế kỷ 16, phát triển thêm vào đầu thế kỷ 19, mở rộng, rải nhựa đầu thế kỷ 20. Trước năm 1910, người Pháp gọi là đường Thuộc địa số 01, người Việt gọi chung là đường Cái quan; đoạn từ cầu Trường Tiền đến gần ngã sáu trung tâm thành phố gọi là Đường Ngang (vì có chợ họp ngang đường, sau dời xuống làng An Cựu gọi là chợ An Cựu). Trước năm 1945, đoạn này người Pháp đặt là đường Brière (Rue Brière), cũng có tài liệu ghi là Rue de Courcy (để chỉ đoạn đường ngang đồn binh Courcy - tên của viên Thống tướng Pháp); đoạn dưới dân gian thường gọi là đường Bốt Cò (chỉ đồn cảnh sát Pháp). Năm 1956, đặt là đường Tự Đức. Trước 1976 là đường Duy Tân. Tháng 1/1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định đổi, đặt lại tên mới là đường Hùng Vương.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Hùng Vương Là tôn xưng vương hiệu của 18 đời vua, thuộc họ Hồng Bàng, Thủy tổ dân tộc Việt Nam. Theo "Hùng triều ngọc phả" và "Thiên Nam bảo lục diễn ca" thì bắt đầu từ Kinh Dương Vương Lộc Tục, miếu hiệu là Hùng Dương Vương. 2. Lạc Long Quân Sùng Lãm, thụy hiệu là Hùng Hiền Vương, 3. Hùng Lân Vương, 4. Hùng Việp Vương, 5. Hùng Hy Vương, 6. Hùng Huy Vương, 7. Hùng Chiêu Vương, 8. Hùng Vĩ Vương, 9. Hùng Định Vương, 10. Hùng Huy, 11. Hùng Trinh Vương, 12. Hùng Võ Vương, 13. Hùng Việt Vương, 14. Hùng Anh Vương, 15. Hùng Triệu Vương, 16. Hùng Tạo Vương, 17. Hùng Nghị Vương 18. Hùng Duệ Vương. Cả 18 đời vua Hùng đều lấy hiệu nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (nay thuộc vùng Bạch Hạc, tỉnh Phú Thọ). Sử cũ chép rằng, triều đại các vua Hùng và nhà nước Văn Lang khởi đầu khoảng năm 698 - 682 trước Tây lịch, tương ứng với văn hóa khảo cổ học Gò Mun (thế kỷ 7 trước Tây Lịch) và kết thúc năm 258 khi Thục Phán An Dương Vương lên ngôi, tổng cộng gần 500 năm. Toàn lãnh thổ lúc ấy được chia làm 15 bộ: Văn Lang, Châu Diên, Phúc Lộc, Tân Hưng, Võ Định, Võ Ninh, Lục Khải, Ninh Hải, Dương Tuyền, Giao Chỉ, Cửu Chân, Hoài Nam, Cửu Đức, Việt Thường và Bình Văn. Thời vua Hùng, đất nước ta sản sinh ra lắm huyền thoại, truyền thuyết như sự tích trầu cau, bánh chưng bánh dầy, quả dưa hấu; chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh; Thần Tản Viên, Anh hùng Gióng. Di tích Hùng Vương hiện vẫn còn trên núi Nghĩa Cương (còn gọi là núi Nghĩa Lĩnh), thuộc xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, tại đây có đền thờ các vua nên cũng gọi là núi Đền. Bia trước đền ghi rõ 4 chữ "Cao sơn cảnh Hùng". Tại hai cột chính giữa điện thờ có đôi câu đối: "Thiên địa trường tồn, ức vạn niên do truyền quốc tổ/ Tinh thần bất hủ, thập bát thế giai hiệu Hùng Vương". Nghĩa là (Trời đất còn dài, ức muôn năm vẫn truyền là quốc tổ/ Tinh thần bất diệt, mười tám đời đều mang hiệu Hùng Vương). Núi Nghĩa Cương cách trung tâm Thủ đô Hà Nội chừng 96 cây số về phía Tây Bắc. Hằng năm, nhân dân cả nước ta thường nô nức về dự lễ giỗ tổ, ca dao cổ nhắc rằng: "Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày giỗ tổ mồng mười, tháng ba". Lễ giỗ tổ Hùng Vương kéo dài 4 ngày - bắt đầu từ ngày 8, ngày 10 vào chính lễ, đến ngày 11 tháng 3 âm kết thúc. Thành đội Huế, Khách sạn Đông Dương, Khách sạn Hùng Vương, Khách sạn Hoàng Đế, Khách sạn Duy Tân, Công an Thành phố, Cơ quan Tỉnh ủy, Đài Phát thanh truyền hình Tỉnh (cơ sở mới), Nhà văn hóa trung tâm Tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng ngoại thương Huế, Trường Cao đẳng sư phạm, Thánh thất Cao Đài Vĩnh Lợi, Chùa Hoằng Quang, Miếu Đại Càn, Đình làng An Cựu, Chợ An Cựu, UBND phường An Cựu nằm trên đường này.