Nguyễn Khoa Chiêm
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:

1. Vị trí con đường

Đường Nguyễn Khoa Chiêm nằm trên địa bàn phường An Tây và phường An Cựu, về phía Đông Nam Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Ngự Bình (điểm tiếp giáp tại ngã tư Bánh Bèo - quốc lộ 49) đến xóm Tứ Tây gần sát chùa Tra Am (chữ "tra" không phải "trà" như lâu nay nhiều người nhầm) dài 1500m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Đường được hình thành từ thế kỷ 18, cùng thời với việc họ Nguyễn Khoa dựng nhà thờ, lập nghĩa trang Nội tán Nguyễn Khoa Đăng cạnh đường này. Trước kia, đường còn thuộc huyện Hương Thủy, nền rải đất biên hòa. Sau năm 1981, sát nhập vào thành phố, đường được mở rộng thêm. Tháng 5/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Nguyễn Khoa Chiêm. Dân gian vẫn thường gọi là đường Ngã tư Bánh Bèo.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Nguyễn Khoa Chiêm (Kỷ Hợi 1659 - Bính Thìn 1736) Nguyễn Khoa Chiêm là danh sĩ đời chúa Nguyễn Phúc Chu, tổ tiên quê ở làng Trạm Bạc trấn Hải Dương, nay thuộc xã Lê Lợi, huyện An Hải, Hải Phòng; nội tổ là Nguyễn Đình Thân theo chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, đến đời ông đổi thành họ Nguyễn Khoa và trở thành khởi tổ của một danh gia vọng tộc ở Cố đô Huế. Ông giỏi võ, có tiếng thơ văn, tự là Bảng Trung. Xuất thân làm Thủ hạp, có công trạng với nhà chúa nên được tin dùng, thăng tiến rất nhanh từ Cai hạp, Tri bạ, lên đến chức Thượng thư Bộ Lại, tước Bảng Trung Hầu. Ông là con rể quan đầu triều Trần Đình Ân, được nhạc phụ tin dùng hơn cả con đẻ trong việc phò chúa trị nước. Ông là nhà chính trị, quân sự, nhà văn. Ông có tác phẩm Nam triều công nghiệp diễn chí viết năm 1719, ông trở thành nhà văn đầu tiên của nước Nam ta viết tiểu thuyết theo chương hồi. Khi đến tuổi, ông lui về trí sĩ ở quê nhà. Ông mất ở tuổi 77, được truy tặng hàm Đại lý Thượng khanh, thụy là Thuần Hậu. Làng An Cựu nơi ông ở phong ông làm Phúc thần và thờ phụng tại đình làng, hàng năm có cúng tế. Năm 1993, nhà thờ và khu lăng mộ ông đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Chùa Ngự Bình (khuôn Ngự Bình cũ), Lăng cụ kinh tế Nguyễn Khoa Kỳ, Nhà máy bia Huế, Vườn Chánh lăng mộ họ Nguyễn Khoa, Lăng mộ Bảng Trung Hầu Nguyễn Khoa Chiêm, Nội tán Nguyễn Khoa Đăng, và Nhà thờ 1 họ Nguyễn Khoa nằm trên đường này.

Các bài khác