Hồ Đắc Di
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Nối dài
Nối dài

1. Vị trí con đường

Đường Hồ Đắc Di nằm trên địa bàn phường An Cựu và phường An Tây, về phía Đông Nam Kinh thành, khởi đầu từ đường An Dương Vương, chạy qua trước mặt chùa Giác Thiên, qua cầu Giao thông đến Nhà thi đấu Đại học Huế, dài 500m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Đường này hình thành từ đầu thế kỷ 20, nguyên là đường đất thôn Nhất Tây, xã An Cựu, huyện Hương Thủy. Trước 1975, phía cuối đường này có một trường tập bắn và một xưởng sửa chữa ô tô, do vậy mà đường được chú ý mở rộng. Đến tháng 9/1981, sát nhập vào thành phố đường lại được nâng cấp mở rộng thêm. Tháng 6/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt lại tên mới là đường Hồ Đắc Di. Dân gian thường gọi là đường Trường Bia.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Hồ Đắc Di (Canh Tý 1900 - Giáp Tý 1984) Giáo sư bác sĩ, anh hùng lao động, con của Đông Các điện đại học sĩ, Thượng thư Bộ Lễ Hồ Đắc Trung, em của Thượng thư Hồ Đắc Khải, Tông đốc Hồ Đắc Điềm, quê ở làng An Truyền tục gọi là làng Chuồn, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, xuất thân từ một gia đình nhiều đời làm quan lại cao cấp triều Nguyễn. Ông từng theo học Y khoa tại Pháp, là người Việt Nam đầu tiên đỗ bằng Thạc sĩ Y khoa Pháp, là người Việt Nam đầu tiên làm Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Được Hội đồng Giáo sư nhà trường bầu làm giáo sư thực thụ trước 1945. Ông vừa là nhà y khoa vừa là nhà sư phạm xuất sắc, đã trực tiếp đào tạo hàng ngàn bác sĩ y khoa cho đất nước. Ông là đại biểu Quốc hội khóa II đến khóa V. Do công lao đóng góp to lớn cho dân tộc, ông được Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất vào năm 1982 và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật năm 1996. Có một thời gian khoảng 1931 - 1932 ông từng làm việc tại Bệnh viện Huế. Ông để lại gần 40 công trình nghiên cứu Y học, nhưng mới tìm ra 21 công trình. Chùa Giác Thiên, Công ty Cổ phần cơ khí ô tô Thống Nhất, Nhà thi đấu Đại học Huế nằm trên đường này.

Các bài khác