An Dương Vương
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:

1. Vị trí con đường

Đường An Dương Vương là đoạn quốc lộ 1A đoạn chạy qua 2 phường An Cựu và An Đông, thành phố Huế về phía Nam, khởi đầu từ đường Hùng Vương (điểm tiếp giáp ngoẹo Giằng Xay) thuộc địa phận phường An Cựu, thành phố Huế đến ranh giới với thị xã Hương Thủy, dài 1250m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Đường này vốn là một đoạn của Thiên Lý lộ có từ thế kỷ 16, vào những năm đầu thế kỷ 20 người Pháp mới rải nhựa và đặt tên là đường Thuộc địa số 01 dân gian gọi là đường Cái quan; trước 1976 là Quốc lộ số 1 hướng đi Phú Bài, trước năm 1995 là đường Hùng Vương nối dài. Tháng 5/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt tên mới là đường An Dương Vương. Dân gian thường gọi là đường Cống Bạc.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

An Dương Vương ( ? - Quý Tỵ 208 tr.Tây lịch) Là vương hiệu của vua Thục Phán thuộc dòng dõi thủ lĩnh các bộ lạc Âu Việt ở vùng Yên Bái, Cao Bằng, người đã thắng Hùng Vương thứ 18, thống nhất nước Văn Lang lập ra nhà nước Âu Lạc. An Dương Vương lên ngôi vua năm 257 trước Tây lịch, đóng đô tại Phong Khê, sau dời về Cổ Loa, xây thành tới ngàn trượng giống như hình xoáy ốc nên thường gọi là Loa Thành. Vua là nhà quân sự tài giỏi của buổi đầu dựng nước. Truyền rằng trong khi xây thành, vua được Giang sứ là Rùa Thần phò trợ hiện lên tuốt móng trao cho, liền đấy vua sai tướng Cao Lỗ chế cung nỏ, lấy móng rùa làm máy bắn liên thanh gọi là Linh quang Kim quy Thần Nỏ. Nhờ có nỏ thần mà Thục Phán đã đánh thắng Triệu Đà ở phương Bắc nhiều lần đến xâm lấn. Sau Triệu Đà dùng mưu giao kết thông gia, cho con trai là Trọng Thủy qua lấy Mỵ Châu và ở rể. Trọng Thủy lừa gạt Mỵ Châu, ăn cắp nỏ thần đem về nước, rồi cùng Triệu Đà cất quân sang đánh, An Dương Vương thua, bỏ thành mà chạy về phương Nam, nước mất vào tay giặc. Vua ở ngôi được 50 năm. Chỗ vua xây Loa Thành nay còn dấu tích giếng Trọng Thủy và đền thờ vua ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Tại đây từ ngày 6 đến ngày 16 tháng giêng âm lịch hàng năm, nhân dân các xóm Cổ Loa thường tổ chức lễ hội với nhiều trò như: thổi cơm thi, hát ca trù, hát chèo, chơi đu; và ở núi Mộ Dạ, làng Cao Xá, xã Diễn An, huyện Diễn Châu, Nghệ An cũng có lập đền thờ An Dương Vương thường được gọi là Đền Cuông. Truyền rằng nơi đây chính là chỗ nhà vua tự sát. Hàng năm vào ngày 15 tháng 2 âm lịch, Đền Cuông mở lễ hội, tưởng nhớ An Dương Vương với nhiều trò chơi dân gian như hát ví, hát phường vải. Niệm Phật đường Nam An, Công ty Sản xuất Kinh doanh Thái Hoà, Công ty Kinh doanh Lâm nghiệp, Công ty Công trình cơ điện, Xí nghiệp Gia công xuất khẩu, Công ty Cổ phần xe khách, Bến xe phía Nam thành phố nằm trên đường này.

Các bài khác