1. Vị trí con đường
Đường Tôn Thất Cảnh nằm trên địa bàn phường An Đông, bên kia sông Hương về phía Đông Nam Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Hoàng Quốc Việt hướng đi Cầu Ngói Thanh Toàn (tiếp giáp thôn Lang Xá Cồn, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) đến đường thôn Nhất Đông (giáp cầu Nhất Đông, phường An Đông), dài 450m. Đường lưu thông hai chiều, cấm xe tải nặng qua cầu.
2. Lịch sử con đường
Đường này hình thành từ thế kỷ 18, cùng thời với việc lập thôn Nhất Đông. Nguyên xưa chỉ là con đường đi ra ruộng của các thôn kề cận, thuộc huyện Hương Thủy. Sau năm 1981, sát nhập vào thành phố, đường này trở thành ranh giới giữa hai xã của thành phố và huyện Hương Thủy. Từ năm 2000, đường được nâng cấp, đổ nhựa. Tháng 8/2001, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Tôn Thất Cảnh.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Tôn Thất Cảnh (Nhâm Dần 1902 - Đinh Hợi 1947) Tôn Thất Cảnh, liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang, xuất thân trong một gia đình Nho giáo, thuộc dòng dõi Tôn thất nhà Nguyễn. Ông sớm được cách mạng giác ngộ, tự nguyện tham gia lực lượng thanh niên phản đế Đông Dương. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông được cử làm Chủ tịch khu phố 7 Thuận Hóa, vừa tham gia vào lực lượng Công an Trung Bộ. Tháng 12/1947, ông được cử làm Chính trị viên đội danh dự Công an Trung Bộ. Trong thời gian này, ông cùng đồng đội bám địa bàn, xây dựng cơ sở, nắm tình hình, tổ chức trấn áp bọn tay sai bán nước gian ác. Ông đã tổ chức bí mật vào tận nơi ở diệt tên lý trưởng gian ác Nguyễn Có tại Bao Vinh, diệt tên Hùng tay sai thực dân Pháp, xóa bỏ đội Hương vệ do tên Hùng cầm đầu. Với nhiều chiến công cướp súng giặc, tiểu trừ Việt gian, xây dựng cơ sở cách mạng chống Pháp nên ông bị bọn địch nghi chính ông là người chỉ huy, chúng kéo đến nhà ông đập phá và lấy hết tài sản. Tháng 3/1947, trong một chuyến công tác ra Quảng Điền, do chỉ điểm, ông bị Pháp bắt. Chúng dùng mọi cực hình tra tấn rất dã man nhưng ông kiên quyết không khai nửa lời, mà còn dùng tiếng Pháp để vạch trần tội ác của chúng. Bất lực, thực dân Pháp đã giết ông. Tôn Thất Cảnh, người đảng viên cộng sản, chiến sĩ Công an xung phong Trung Bộ đã anh dũng hy sinh ở tuổi 45. Tháng 8/1949, biết gia đình Tôn Thất Cảnh có 3 người con là liệt sĩ, Bác Hồ đã tặng bằng khen với dòng chữ "Một nhà trung nghĩa, muôn thuở thơm danh". Ngày 3/8/1995, ông được Nhà nước ta truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.