Tôn Quang Phiệt
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:

1. Vị trí con đường

Đường Tôn Quang Phiệt nằm trên địa bàn phường An Đông, về phía Đông Nam Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Đặng Văn Ngữ (tiếp giáp cầu Phác Lác) chạy men theo bờ Bắc sông Lợi Nông đến ranh giới xóm Lò thuộc phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, dài 1750m. Đường hẹp, lưu thông hai chiều, cấm xe hạng nặng.

2. Lịch sử con đường

Nguyên đường được hình thành vào thế kỷ 18, cùng thời với các dòng họ đến khai canh khai khẩn của làng. Từ năm 1980 trở về trước, đường này còn thuộc huyện Hương Thủy. Sau tháng 9/1981, sát nhập vào thành phố, đường được nâng cấp mở rộng hơn trước. Tháng 8/2001, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định đặt tên là đường Tôn Quang Phiệt.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Tôn Quang Phiệt (Canh Tý 1900 - Quý Sửu 1973) Tôn Quang Phiệt là giáo sư, nhà sử học, nhà hoạt động cách mạng, quê xã Võ Kiệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Thủa nhỏ, ông học ở Vinh, năm 1923 ông ra Hà Nội học Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Tại đây ông tham gia vận động thành lập Đảng Phục Việt (sau đổi thành Tân Việt, tiền thân của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn). Ông tổ chức thành lập Chi bộ đầu tiên tại Hà Nội. Năm 1926, ông bị tình nghi hoạt động chính trị nên bị đuổi học. Tháng 6/1926, ông cùng các ông Trần Phú, Vương Thúc Oánh sang Trung Quốc. Khi phái đoàn vừa đến Móng Cái thì bị bắt, một số người trốn thoát, ông bị Pháp bắt đem về giam ở Hà Nội. Một thời gian sau ông được trả tự do, ông lại lao vào hoạt động bí mật cho Đảng (và một bộ phận của đảng này sau trở thành thành viên Đảng Cộng sản Đông Dương), và dạy học ở Trường Trung học tư thục Thăng Long. Năm 1935, ông được Đảng bí mật phái vào Huế hoạt động. Ông vào dạy học tại Trường tư thục Thuận Hoá và dùng trường này làm nơi liên lạc. Khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, rồi suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông làm Đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau 1954, ông chuyển công tác sang ngành văn hoá giáo dục. Ông là tác giả nhiều công trình nghiên cứu, dịch thuật về văn học cổ, cận đại Việt Nam như: Lịch sử Việt Nam, Phan Bội Châu và giai đoạn chống Pháp của nhân dân Việt Nam, Việt Nam nghĩa liệt sử. Do công lao đóng góp cho cách mạng, ông được Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quí. Ông mất năm 1973 tại Hà Nội, hưởng thọ 74 tuổi. Niệm Phật đường An Cựu, UBND xã Thủy An, nhà thờ các họ Châu, họ Võ, họ Lê và miếu Âm hồn Ngũ Đông nằm trên đường này.

Các bài khác
    << < 1 2 > >>