Thanh Hải
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:

1. Vị trí con đường

Đường Thanh Hải nằm trên địa bàn phường Trường An và phường Thủy Xuân, về phía Tây Nam Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Điện Biên Phủ, chạy qua nghĩa trang mang tên cụ Phan Bội Châu, vòng sang trái đồi Quảng Tế đến đường Lê Ngô Cát (tiếp giáp bên trái, trước Đàn Nam Giao), dài 1500m. Đường lưu thông hai chiều, có nhiều đoạn còn rất hẹp, chưa đổ nhựa, khó đi.

2. Lịch sử con đường

Đường được hình thành vào cuối thế kỷ 18, cùng thời với việc lập làng Dương Xuân Thượng. Nguyên là đường mòn chạy vào các ngôi chùa tọa lạc quanh đồi Quảng Tế, thuộc huyện Hương Thủy. Sau năm 1981, sát nhập vào thành phố, đường được nâng cấp mở rộng thêm. Tháng 6/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Thanh Hải.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Thanh Hải (Canh Ngọ 1930 - Canh Thân 1980) Nhà thơ hiện đại, tên thật là Phạm Bá Ngoãn, quê làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 17 tuổi, ông đã tham gia cách mạng ở huyện Hương Thủy, làm Chính trị viên Đoàn văn công Thừa Thiên. Năm 1954, ông ở lại quê nhà hoạt động trong lòng địch. Năm 1967, ông chuyển lên Khu Trị Thiên vừa phụ trách vừa làm công tác văn nghệ, báo chí. Năm 1975 đến 1980 ông phụ trách Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là nhà thơ có tên tuổi thời chống Mỹ, là người có công đào tạo xây dựng phong trào văn hoá văn nghệ trước và sau năm 1975 của Thừa Thiên cũng như Bình Trị Thiên. Ông mất 12/1980 hưởng dương 50 tuổi, an táng tại nghĩa trang mang tên cụ Phan Bội Châu. Tác phẩm chính để lại: Huế mùa xuân tập 1 và 2, Dấu võng Trường Sơn, Những đồng chí trung kiên. Ông từng được Giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu năm 1965. Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001 và nhiều Huân, Huy chương cao quí khác. Nghĩa trang mang tên cụ Phan Bội Châu (nhà thơ Thanh Hải, nhà cách mạng Nguyễn Chí Diễu, nhà lý luận Hải Triều, yên nghỉ tại đây), Chùa Quảng Tế, Nhà máy nước Quảng Tế, Chùa Thiền Lâm (hệ phái Nam Tông), Chùa Thiên Hỉ, Chùa Thọ Đức nằm trên đường này.

Các bài khác
    << < 1 2 > >>