Minh Mạng
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:

1. Vị trí con đường

Đường Minh Mạng nằm trên địa bàn phường Thủy Xuân và phường Trường An, về phía Tây Nam Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Lê Ngô Cát (điểm tiếp giáp tại ngã ba bên trái Đàn Nam Giao) đến Cầu Lim II (tiếp giáp xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy), dài 1230m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Đường này hình thành vào đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc lập Đàn Nam Giao, xây lăng Gia Long. Nguyên ủy là đường mòn, thuộc huyện Hương Trà, năm 1831 chia đất về huyện Hương Thủy. Đến tháng 9/1981, xã này sát nhập vào thành phố. Trước 1975 thường gọi là đường Đô thị 17 từ Nam Giao kéo dài lên hướng Thiên An, lăng Khải Định, vòng sang bến Tuần, Điện Hòn Chén. Đến tháng 5/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Minh Mạng. (đường Minh Mạng chỉ tính trong phạm vi thành phố Huế, còn đoạn nối dài theo hai ngã: một lên lăng Khải Định, một lên lăng Thiệu Trị thuộc địa phận huyện Hương Thủy).

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Minh Mạng (Tân Hợi 1791 - Canh Tý 1840) Minh Mạng (đọc đúng âm là Minh Mệnh), niên hiệu của ông vua thứ II nhà Nguyễn, tên thật là Nguyễn Phúc Đảm, khi phong làm Hoàng trưởng tử ông có tên Nguyễn Phúc Kiểu (không phải Phúc Hiệu). Là ông vua thông minh, hiếu học, quyết đoán, vừa giỏi trị văn lại giỏi trị võ, mọi việc trong nước đều phải thông qua ông trước khi ban bố, thể hiện được tính tập quyền từ nhà vua. Dưới triều ông đất nước phát triển về kinh tế, giáo dục, kỹ thuật cơ khí như: Đúc Cửu đỉnh, chế tạo tàu chạy bằng hơi nước, cải cách nông nghiệp khuyến khích khai hoang, cải cách bộ máy cai trị đến tận xã, ban bố chính sách nhu viễn với những vùng xa xôi, mở khoa thi lấy tiến sĩ, phó bảng (kể từ năm 1829). Song cũng dưới triều ông nhiều cuộc khởi nghĩa nổi lên của nông dân ở miền Bắc, ở vùng núi như khởi nghĩa Phan Bá Vành, Phạm Văn Điển, Tạ Quang Cư, Nông Văn Vân, miền Nam nghĩa quân của Lê Văn Khôi chiếm thành Phiên An chống triều đình, Minh Mạng phải mất mấy năm mới dẹp yên. Minh Mạng ban hành luật lệ thi hành nghiêm khắc, đôi chỗ quá hà khắc, làm quan dễ, làm dân khó thở. Ông xét tiềm lực, vị thế quốc gia mà đổi tên nước thành Đại Nam. Minh Mạng mất năm Canh Tý, 1840, hưởng dương 49 tuổi, ở ngôi hơn 20 năm, miếu hiệu là Thánh Tổ Nhân Hoàng đế. Vua Minh Mạng không chỉ giỏi cai trị, mà là còn là một nhà thơ, nhà văn tài hoa, ông để lại khá nhiều tác phẩm văn thơ chữ Hán có giá trị trong kho tàng văn hóa dân tộc, như: Minh Mạng chính yếu, Minh Mạng ngự chế thi tập và nhiều bài thơ đề ở lăng vua. Chùa Liên Trì, Chùa Thiên Hương, Chùa Hồng Đức, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế tọa lạc trên đường này.

Các bài khác
    << < 1 2 > >>