1. Vị trí con đường
Đường Phạm Văn Đồng nằm trên địa bàn phường Vĩ Dạ, về phía Đông Nam Kinh thành Huế, khởi đầu từ Nam cầu Vĩ Dạ (thường gọi là cầu Chợ Cống), qua ngã tư đường Tùng Thiện Vương đến giáp cầu Lại Thế (ranh giới xã Phú Thượng, huyện Phú Vang; đường Phạm Văn Đồng còn kéo dài đền cầu Phú Thượng, giáp đường Nguyễn Sinh Cung - ở đây chúng tôi chỉ trình bày phần thuộc địa bàn thành phố), dài 1500m. Đường lưu thông hai chiều.
2. Lịch sử con đường
Nguyên vùng này là đồng ruộng của phường Vĩ Dạ và xã Phú Thượng, sau 1995 quy hoạch mở rộng khu dân cư, đồng thời làm đường để tránh không cho xe hạng nặng vào thành phố khi về Thuận An. Trước năm 2000, thường gọi là Quốc lộ 49 (vì đường mới này nằm trên một đoạn của quốc lộ 49). Tháng 8/2001, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Phạm Văn Đồng.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Phạm Văn Đồng (Bính Ngọ 1906 - Canh Thìn 2000) Nhà chính trị, nhà văn hóa, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCNVN, bí danh Tô, thuở nhỏ bạn bè thường gọi là Tám Đồng Đen; quê ở làng Thi Phổ, xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Xuất thân từ một gia đình quan chức bậc trung nhà Nguyễn. Ông là người thông minh, hiếu học, có ý chí cách mạng ngay từ thời còn rất trẻ. Năm 1926, ông tham gia phong trào học sinh bãi khoá để tang cụ Phan Châu Trinh. Cuối năm ấy, ông đi Quảng Châu, Trung Quốc, dự lớp huấn luyện do Nguyễn ái Quốc tổ chức và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1927, ông về nước tham gia hoạt động ở Sài Gòn. Đầu năm 1929, ông được cử vào Kỳ bộ Thanh niên Nam Kỳ, sau đó vào Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tháng 5/1929, ông được cử đi Hương Cảng (Trung Quốc) dự Đại hội. Tháng 7/1929, ông trở về Sài Gòn hoạt động và bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù, đày đi Côn Đảo. Tháng 7/1936, ông được trả tự do, sau đó ông ra Hà Nội hoạt động công khai. Tháng 5/1940, ông đi Côn Minh gặp lãnh tụ Nguyễn ái Quốc và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đầu năm 1942, ông về nước. Tháng 8/1945, ông được bầu vào ủy ban Giải phóng dân tộc. Cách mạng tháng Tám thành công, ông làm Bộ trưởng Bộ Tài chính. Cuối tháng 5/1946, ông làm Trưởng phái đoàn Chính phủ Việt Nam đàm phán với Chính phủ Pháp tại Hội nghị Fontainbleau. Trước ngày 19/12/1946, ông được cử làm đặc phái viên của T.Ư Đảng và Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ. Từ năm 1947 đến tháng 12/1986, ông là ủy viên dự khuyết rồi ủy viên chính thức BCH T.Ư Đảng, được bầu vào Bộ Chính trị, được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng ban Đối ngoại T.Ư, sau ông được cử làm Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng nước CHXHCNVN. Tại Đại hội Đảng các khoá VI, VII, VIII, ông được cử làm Cố vấn BCH T.Ư. Tháng 12/1997, theo đề nghị của ông và được Hội nghị lần IV BCH T.Ư khoá VIII chấp nhận, ông kết thúc nhiệm vụ cố vấn. Ông là đại biểu Quốc hội khoá I đến khoá VII. Do công lao to lớn với sự nghiệp cách mạng, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Các nước Liên Xô, Lào, Cam-pu-chia, Cu-ba, Ba Lan, Bun-ga-ri, Mông Cổ tặng nhiều Huân chương hữu nghị. Trước 1960, đồng bào Xê Đăng ở Tây Nguyên đã đổi họ Đinh của mình ra họ Phạm để nhớ ơn ông. Ông mất năm 2000, hưởng thọ 94 tuổi. Ông để lại các tác phẩm chính: Đào tạo thế hệ trẻ của dân tộc thành những người chiến sĩ cách mạng dũng cảm, thông minh sáng tạo; Giữ gìn bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt; Hồ Chí Minh - quá khứ, hiện tại, tương lai; Hồ Chí Minh - Một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp; Hồ Chí Minh trên con đường dân giàu nước mạnh; Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh; Về vấn đề giáo dục và đào tạo; Văn hoá và đổi mới. Công ty cổ phần An Phú, Công ty Xây dựng giao thông, Công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi, Đại diện các công ty thép Việt-úc, Dani, Hoà Phát, Nhà văn hóa lao động Tỉnh (cơ sở mới) nằm trên đường này.