1. Vị trí con đường
Đường Nguyến Sinh Khiêm nằm trên địa bàn phường Vỹ Dạ, chạy song song với đường Phạm Văn Đông, có chiều dài 400 mét, có điểm đầu giáp với đường Cao Xuân Dục, điểm cuối giáp với đường Lâm Hoằng.
2. Lịch sử con đường
Đường Nguyễn Sinh Khiêm, nguyên là đường số 6, thuộc khu qui hoạch Nam Vỹ Dạ, thành phố Huế.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Nguyễn Sinh Khiêm (1888 - 1950): Nhà hoạt động yêu nước nửa đầu thế kỷ XX, còn có tên Nguyễn Tất Đạt, là anh ruột của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thân sinh là cụ Nguyễn Sinh Huy (còn có tên Nguyễn Sinh Sắc), mẹ là bà Hoàng Thị Loan. Cuối năm 1895, ông đã cùng với cha mẹ và em vào Huế, ở trong một gian nhà nhỏ tại phố Đông Ba. Năm 1898 cụ Sắc đưa hai con Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung về ở nhà ông Nguyễn Sĩ Độ tại làng Dương Nỗ để dạy học kiếm sống. Năm 1900, cụ Sắc ra Thanh Hóa làm đề lại khoa thi hương, ông đi theo phụ giúp cha trong sinh hoạt hàng ngày. Tháng 5/1906, cụ Sắc vào Huế nhận chức kiểm thảo viện Hàn Lâm, sau sung thừa biện bộ Lễ, cho Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành vào học trường Pháp - Việt Đông Ba rồi qua trường Quốc Học. Sau khi cha đổi làm tri huyện Bình Khê (01/7/1909), ông về quê tham gia hoạt động yêu nước, bị Pháp bắt đày vào Ba Ngòi (Khánh Hòa) làm khổ sai. Ngày 17/3/1920, thực dân Pháp chuyển về giam lỏng tại Thừa Thiên, ông vẫn bí mật tiếp tục hoạt động yêu nước và được nhân dân quen gọi là “Thầy Nghệ” một cách thân thiết và kính trọng. Năm 1940, ông được trả tự do nhưng vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng nên lại bị Pháp bắt giam đến ngày 16/8/1942. Được phóng thích ông lại vào Huế lần nữa để liên lạc với một số tù “chính trị phạm” ở “căng an trí” Phong Điền, Quảng Điền. Cuối năm 1946 ông ra Hà Nội gặp Hồ Chủ tịch, sau đó về Nghệ An rồi mất ở quê nhà.