Ưng Bình
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:

1. Vị trí con đường

Đường Ưng Bình nằm trên địa bàn phường Vĩ Dạ, tại cồn nổi giữa sông Hương về phía Đông Nam Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Nguyễn Sinh Cung (đối diện với đường Tuy Lý Vương), vượt qua cầu Phú Lưu chạy sâu vào giữa ấp Bồi Thành (một ấp nhỏ trên Cồn Hến), kéo ra tận mép sông, dài 500m. Đường lưu thông hai chiều, cấm xe ca xe tải.

2. Lịch sử con đường

Trước đây muốn qua Cồn Hến phải đi bằng đò ngang, sau bắc cầu Phú Lưu sang nối với đường đất nhỏ chạy quanh ấp Bồi Thành nên đi lại khá dễ dàng thuận tiện. Từ năm 1996 đến năm 2000, là đường Tuy Lý Vương nối dài. Tháng 8/2001, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Ưng Bình.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Ưng Bình (Đinh Sửu 1877 - Tân Sửu 1961) Ưng Bình, nhà thơ danh tiếng xứ Huế, lấy hiệu Thúc Giạ Thị, tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Bình, thường gọi là Ưng Bình Thúc Giạ Thị, dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn, là cháu nội Tuy Lý Vương. Ông nổi tiếng thông minh, tính tình hóm hỉnh. Ông tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, năm 1904, đỗ đầu kỳ thi Ký lục. Năm 1909, đỗ Cử nhân Hán học. Ông làm Ký lục, sau bổ Tri huyện, rồi thăng Tri phủ, Viên ngoại, Bố chánh, Tuần vũ, Phủ doãn Thừa Thiên. Về hưu thăng Thượng thư trí sự, năm 1933. Từ năm 1939 đến 1940, ông làm Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung Kỳ. Năm 1943, ông được thăng Hiệp tá Đại học sĩ. Từ năm 1940 - 1945, ông từng làm Tư vấn Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Ông nổi danh thi phú, có nhiều năm được bầu làm chủ soái Hương Bình Thi xã. Là nhà thơ, đồng thời là một vị quan, ông thường bênh vực dân lành. Ông đau xót trước cảnh mất nước, thương thân phận người nghèo. Nên thơ ông gần với đời sống lao động dân dã, Ưng Bình không những là nhà thơ lớn của xứ Huế, mà còn là nhà văn hoá Việt Nam. Ông là tác giả bài thơ viết theo thể hò Huế mà ai cũng biết: "Chiều chiều trước bến Văn Lâu, Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm, Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông, Thuyền ai thấp thoáng bên sông, Nghe câu mái đẩy trạnh lòng nước non". Ông mất ngày 4/4/1961, thọ 85 tuổi ta. Ông để lại các tác phẩm chính: Tình Thúc Giạ (thơ Nôm), Đời Thúc Giạ (thơ Nôm), Lộc Minh thi tập (thơ chữ Hán), Bán buồn mua vui (khúc hát), Tào lao (hài kịch), Tuồng Lộ Địch (Tuồng cổ Việt Nam viết phỏng theo tuồng Le Cid của Corneille, văn hào Pháp). Trường Tiểu học Phú Lưu, Chùa Pháp Hải, Miếu Thần Thành hoàng làng nằm ở đường này. Tại đây có món chè bắp nổi tiếng và Hến Cồn chế nhiều món ăn cực ngon.

Các bài khác
    << < 1 2 3 > >>