1. Vị trí con đường
Đường Tuy Lý Vương nằm trên địa bàn phường Vĩ Dạ, bên kia sông Hương về phía Đông Nam Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Nguyễn Sinh Cung (đối diện với đường Ưng Bình), nó uốn lượn quanh co qua những vườn cau xanh trước khi trổ ra sau làng đến đường Phạm Văn Đồng, dài 500m. Đường hẹp, lưu thông hai chiều, cấm xe tải nặng.
2. Lịch sử con đường
Nguyên là kiệt xóm chỉ dài gần 250m, hình thành từ đầu thế kỷ 20, thuộc làng Vĩ Dạ, huyện Phú Vang. Sau năm 1981 đường này sát nhập vào thành phố. Năm 1995, đường được nâng cấp, đổ nhựa và mở thêm một đoạn nữa ra tới đường Phạm Văn Đồng (quốc lộ 49). Tháng 6/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Tuy Lý Vương.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Tuy Lý Vương (Canh Thìn 1820 - Đinh Dậu 1897) Nhà thơ lớn của triều Nguyễn, tự Khôn Chương, Quí Trọng, hiệu là Tĩnh Phố, biệt hiệu Vĩ Dạ, tên thật Nguyễn Phúc Miên Trinh con thứ 11 của vua Minh Mạng. Ông thông minh, hiếu học, có biệt tài về văn chương thi phú, thơ ông nổi tiếng không những trong nước mà lan tận sang Trung Quốc. Ông là thành viên của Mặc Vân Thi xã một hội thơ văn tập hợp những danh sĩ tài ba của Kinh đô Huế, trong đó góp mặt có Tùng Thiện Vương, Tương An Quận Vương, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát... Năm 1839, ông được phong Tuy Lý Công, sau phong Tuy Lý Vương. Năm 1882, ông được cử làm Hữu Tôn chính ở Tôn Nhân phủ. Năm 1883, khi vua Tự Đức mất, ông được di chiếu làm Phụ chính, trong thời gian này ông và con trai muốn chống lại phái chủ chiến của Tôn Thất Thuyết, nên bị trấn áp. Ông sợ hãi trốn xuống một tàu chiến của Pháp đậu ở Thuận An, nhờ Tổng trú sứ Pháp Đờ Sămpô (De Champeaux) che chở, nhưng bị Tôn Thất Thuyết đòi giao nộp và đưa đi an trí ở Quảng Ngãi. Đến triều Đồng Khánh, ông mới được thả về. Thời Thành Thái ông làm Phụ chính kiêm Tả Tôn chính ở Tôn Nhân phủ. Ông là một nhà thơ lớn của thi nhân Việt Nam thế kỷ XIX. Ông để lại các tác phẩm chính: Vĩ Dạ hợp tập, Vĩ Dạ văn tập, Vĩ Dạ thi tập, Nam Cầm khúc, Nữ phạm diễn nghĩa từ, Trung Quốc công thi tập. Người đương thời ca tụng văn thơ ông hết lời. Thơ văn ông chủ yếu đều bằng chữ Hán, có một ít bài bằng chữ Nôm, xin trích một bài thơ Nôm sau: "Cũng phải xơi ngơi cũng phải chơi, Làm người nào phải Phật lo đời. Ngày dài dễ đặng ba muôn sáu, Tháng chẵn lần qua một chục hai. Việc phủ vua quan giờ có phép, Tiệc thơ hầu hạ dám nhường ai. Mua vui nghìn lượng xin đừng tiếc, Đã thấy co ro rất củ khoai". Ông mất năm Thành Thái thứ 9, vào ngày 24 tháng 10 năm Đinh Dậu, 1897, hưởng thọ 77 tuổi, triều đình cho tổ chức Quốc táng, an táng tại làng Dương Xuân Thượng, cách Huế chừng 3 cây số. Năm 1991, phủ đường và tẩm mộ của ông được Nhà nước ta xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.