1. Vị trí con đường
Đường Thanh Tịnh nằm trên địa bàn phường Vĩ Dạ, về phía Đông Nam Kinh thành, khởi đầu từ đường Tùng Thiện Vương đến cầu Ông Thượng (giáp ngã ba làng Lại Thế), dài 200m. Đường lưu thông hai chiều, cấm xe tải nặng.
2. Lịch sử con đường
Đường này hình thành vào đầu thế kỷ 20, cùng thời với việc ông Tôn Thất Hân cho xây dựng cây cầu này (cầu Ông Thượng). Nguyên trước đường kiệt còn rải đất biên hòa, thuộc làng Vĩ Dạ, huyện Phú Vang. Đến tháng 9/1981, làng này mới sát nhập vào thành phố. Đường kiệt này được lấy số nhà theo đường chính Thuận An, sau lại lấy số theo đường Nguyễn Sinh Cung. Tháng 5/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Thanh Tịnh.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Thanh Tịnh (Tân Hợi 1911 - Mậu Thìn 1988) Thanh Tịnh là nhà thơ, nhà văn hóa thời đại, tên thật là Trần Văn Ninh, sau đổi là Trần Thanh Tịnh, các bút danh: Thinh Không, Thanh Thanh, Trịnh Thuần, sinh ngày 12 tháng 12 năm 1911 tại xóm Gia Lạc (nay thuộc xã Phú Thượng), huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Bố là cụ Trần Văn Giáp làm thợ ở hãng Bồ-ghè, mẹ là bà Nguyễn Thị Nghe một tiểu thương ở Phú Vang, quê gốc ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, đời nội tổ vào ở làng Dương Nổ Tây Thượng, huyện Phú Vang. Thuở nhỏ ông học chữ Hán tại chùa Ba La Mật, rồi vào Trường tiểu học Pháp-Việt Đông Ba, sau qua học Trường Pellerin, năm 1933 ông đỗ bằng Thành chung (Cao đẳng Tiểu học). Muốn theo lên Tú tài ông phải ra Hà Nội học, nhưng vì nhà nghèo không có điều kiện nên thôi. Cuối năm ấy, ông xin làm tạm ở Trường Providence, Huế. ở đây, ông vừa làm vừa tự học độ một năm rồi xin qua Sở Đạc điền, giữ chân thư ký riêng cho chủ sự. Một thời gian, ông lại thôi làm ở Sở Đạc điền để ôn thi vào làm hướng dẫn viên du lịch. Trong thời gian ôn thi, Linh mục Cadière nghe tiếng và đã mời ông đến làm thư ký và phiên dịch cho Viện Đô thành hiếu cổ; ở Viện được gần 3 tháng ông lại xin nghỉ việc để đi thi. Chương trình thi hướng dẫn viên du lịch hồi ấy rất khó: Thi vấn đáp và thi viết, hai vòng đều bằng tiếng Pháp, Thanh Tịnh đã đỗ đầu. Ngoài đi dạy, làm đo đạc, làm hướng dẫn viên du lịch ông còn làm thơ, viết báo cho các tạp chí như: Thần Kinh tạp chí, Tiếng Dân, Phong Hoá, Ngày nay, Phụ nữ thời đàm, Thanh Nghị. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông vào quân đội, tiếp tục hoạt động văn nghệ. Ông từng phụ trách Đoàn kịch Chiến Thắng, Đoàn văn công Quân khu Bốn, từng giữ cương vị Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội trong nhiều năm, cấp bậc Đại tá; ông là ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam (khóa I và II), ủy viên đoàn chủ tịch ủy ban T.Ư Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. Thanh Tịnh sáng tác nhiều thơ văn trữ tình, làm nhiều ca dao, là người mở ra môn tấu nói trên sân khấu, cũng như thể loại tuyên truyền miệng trong thông tin tuyên truyền. Ông để lại những tác phẩm chính: Hận chiến trường, Quê mẹ, Chị và em, Ngậm ngãi tìm trầm, Tôi đi học, Sức mồ hôi, Những giọt nước biển, Nghệ thuật tấu nói, Tuyển tập thơ, Tuyển tập văn. Thanh Tịnh có hai câu thơ làm trước 1945: "Một đêm ghé lại hàn sơn tự. ấp ủ men ngàn đợi áo khô". Ông kể rằng trong một lần đi hướng dẫn du khách, mắc mưa, trời lạnh phải trú nhờ một ngôi chùa gần Nam Giao, bên đống lửa sưởi ấm ông đã viết, rồi quên khuấy đi. Sau năm 1975, vào Huế ông bắt gặp mới nhớ lại. Theo ông hai câu này chưa in ở bất cứ sách báo nào. Thanh Tịnh mất ngày 17/7/1988, tại Hà Nội, thọ 77 tuổi, an táng ở khu A, nghĩa trang Văn Điển nằm bên cạnh những danh nhân như Nguyễn Tuân, Nguyễn Minh Châu, Xuân Diệu. Hơn ba năm sau, vào ngày 31 tháng 8 năm 1991, theo linh nguyện của người quá cố, di cốt ông được đưa về quê an nghĩ tại nghĩa trang quê nhà, bên sườn núi Thiên Thai, thành phố Huế. Đình làng Lại Thế, Phủ thờ Thượng thư Tôn Thất Đàn, Phủ thờ Phò quang Quận Vương Tôn Thất Hân (Phủ này là một đặc trưng kiến trúc nhà rường tiêu biểu nhất còn lại của Huế) nằm cuối đường này.