1. Vị trí con đường
Đường Trần Hoành nằm trên địa bàn phường Trường An, có chiều dài 200 mét.
2. Lịch sử con đường
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Trần Hoành (? - 1936): Còn gọi là Cửu Cai (ông làm cai, đốc công ở mỏ than Nông Sơn) hiệu là Phước Bình. Quê làng Phước Bình, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Năm 1904 đang làm việc ở mỏ than, ông xin nghỉ việc về quê mở trường dạy học để hưởng ứng phong trào Duy Tân. Năm 1908 phong trào duy tân lên mạnh mà đỉnh cao là các cuộc biểu tình đòi giảm thuế, miễn sưu bùng nổ và lan ra các tỉnh miền Trung. Thực dân Pháp và triều đình tay sai đổ tội cho các nhà yêu nước và mở cuộc khủng bố. Ông bị bắt giam ở Nghệ An, sau trốn thoát về quê. Đến khi nổ ra cuộc khởi nghĩa do vua Duy Tân lãnh đạo vào năm 1916, ông là một trong các nhân vật chủ chốt về quân sự ở Quảng Nam. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị kết án khổ sai chung thân đày ra Côn Đảo. Năm 1918 ông cùng Nguyễn Hi Cao, Nguyễn Kim Đài kết bè vượt ngục. Vừa về tới Sài Gòn thì bị bắt lại và đày ra Côn Đảo lần nữa. Năm 1925, ông được trả tự do, trở về Quảng Nam rồi ra Huế sống với cụ Phan Bội Châu trong ngôi nhà tranh Bến Ngự và trở thành nhân viên đắc lực cho Huỳnh Thúc Kháng trong toà soạn báo Tiếng Dân hơn mười năm. Năm 1927, ông tham gia việc tổ chức thành lập Đảng Phục Việt (sau đổi là Hưng Nam, Tân Việt Cách mạng Đảng) hoạt động tại Huế và các tỉnh phía Nam Thừa Thiên. Tại đây ông bị thực dân Pháp theo dõi gắt gao. Đến năm 1936 ông mất tại Huế và được an táng trong khuôn viên nghĩa trang Phan Bội Châu.