1. Vị trí con đường
Đường Tam Thai nằm trên địa bàn phường Trường An và An Tây, về phía Nam Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Ngự Bình (giáp bên phải, trước Đàn Nam Giao), chạy qua kênh thủy lợi Nam sông Hương đến trước Nghĩa trang Thành phố Huế (tiếp giáp đường vào chùa Thiền Tôn), dài gần 4000m. Đường lưu thông hai chiều.
2. Lịch sử con đường
Đường này hình thành vào thế kỷ 18, cùng thời với việc dựng chùa Thiền Tôn. Nguyên xưa chỉ là lối mòn nhỏ đi vào chùa Thiền Tôn, thuộc huyện Hương Thủy. Đến tháng 9/1981 mới sát nhập vào thành phố, đường được mở rộng thêm. Trước năm 1995 thường gọi là đường Nghĩa trang Thành phố. Tháng 6/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Tam Thai.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Tam Thai Tam Thai là tên một ngọn núi nằm trong địa phận làng An Cựu xưa, nay thuộc xã Thủy An, thành phố Huế. Cùng với Ngự Bình, núi Tam Thai làm nên chức năng "Đệ nhất án sơn" che chắn cho Kinh thành Huế, đồng thời cũng là thắng cảnh thiên nhiên tôn vinh thêm vẻ đẹp cho Huế. Xưa kia trên núi Tam Thai có nhiều cây xanh và ngôi chùa cổ, gặp lúc Trịnh - Nguyễn giao tranh, chúa Nguyễn bèn đưa cung quyến lên ẩn núp nơi chùa này. Bị quân của Hoàng Ngũ Phúc tấn công thình lình lúc nửa đêm, chúa Nguyễn và bà phi cùng cận thần bí mật bỏ trốn vào miền trong, để lại cung quyến bơ vơ không nơi nương tựa. Ca dao Huế xưa đã ghi lại cảnh tình thê lương ảm đạm ấy: "Trông lên hòn núi Tam Thai Thấy đôi chim quạ ăn xoài chín cây Qụa kêu ba tiếng quạ bay Để bầy chim én đêm ngày chắt chiu". Núi Tam Thai còn là nơi từng diễn ra các trận đánh ác liệt thời chống Pháp, chống Mỹ có tính chất lịch sử, để đi đến thắng lợi của cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của cả dân tộc. Núi Tam Thai cao gần 70m. Dưới chân núi, có nhiều ngôi miếu cổ, lăng mộ cổ. Phía Đông Bắc chân núi được lấy làm bình phong cho trường tập bắn, thường gọi là Trường Bia. Để kỷ niệm một thắng cảnh lịch sử văn hoá, chính quyền địa phương đã lấy địa danh Tam Thai đặt tên cho một đường phố Huế. Tổ đình Tây Thiên, Chùa Từ Hóa, Chùa Ba Đồn, Tháp Sư Liễu Quán, Tháp Hoà thượng Thích Thiện Siêu tọa lạc trên đường này.