Trần Huy Liệu
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:

1. Vị trí con đường

Đường Trần Huy Liệu nằm trên địa bàn phường Phú Hòa, trước mặt Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Cửa Ngăn, chạy men theo Hộ Thành hào qua ngã tư Đinh Tiên Hoàng đến đường kiệt Ngân hàng (phía sau lưng Ngân hàng cũ - nay là Công ty Vàng bạc đá quý), dài 670m. Đường hẹp, cấm ô tô.

2. Lịch sử con đường

Nguyên là lối nhỏ men theo Hộ Thành hào, sau 1954 dân cư đến ở ngày một đông mà hình thành hẳn con đường này. Từ năm 2000 trở về trước thường gọi là đường Bờ hồ Trần Hưng Đạo. Tháng 8/2001, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Trần Huy Liệu. Đường này chỉ một mặt phố có nhà ở quay ra phía sông Hộ thành.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Trần Huy Liệu (Tân Sửu 1901 - Kỷ Dậu 1969) Nhà hoạt động cách mạng, nhà văn, nhà báo, nhà sử học, giáo sư viện sĩ, bút danh Nam Kiều và nhiều bút hiệu khác như: Đẩu Nam, Hải Khánh, Côi Vị, Âm Hân Kiếm Bút. Quê ở làng Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông là một người viết báo rất sớm, từ năm 1924 ông vào làm với báo Nông Cổ Mín Đàm, Rạng Đông rồi làm chủ bút tờ Đông Pháp thời báo. Tháng 6/1927, ông bị Pháp bắt vì có chân trong các tổ chức yêu nước. Năm 1928, ông thành lập Cường Học Thư Xã chuyên xuất bản sách cổ vũ tinh thần yêu nước. Năm này ông gia nhập Việt Nam Quốc dân đảng. Tháng 8/1928, bị Pháp bắt, kết án 5 năm tù đày đi Côn Đảo. Trong tù ông tiếp xúc với bạn tù cộng sản, ông giác ngộ chủ nghĩa cộng sản, tự nguyện ly khai Quốc dân đảng và đứng vào hàng ngũ những người cộng sản. Năm 1935, ông ra tù bị trục xuất về Bắc. Năm 1936, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1939, lại bị Pháp bắt đày đi Sơn La, Nghĩa Lộ. Đến tháng 3/1945, cùng đồng chí phá trại giam Nghĩa Lộ, vượt ngục về Hà Nội hoạt động. Ngày 17/8/1945, ông được Đại hội Quốc dân Tân Trào bầu làm Phó Chủ tịch ủy ban Dân tộc giải phóng, rồi làm Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền của Chính phủ lâm thời. Ngày 27/8/1945, ông được cử làm Trưởng đoàn đại biểu thay mặt Chính phủ lâm thời cùng với Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận vào Huế chấp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại. Trong thời điểm lịch sử ấy, chính ông là người thay mặt Đoàn đại biểu đã viết bức điện lịch sử từ Huế gửi về Hà Nội, trích nguyên văn như sau: "Chính phủ lâm thời Hà Nội - thượng khẩn. Từ Hà Tĩnh vào Huế. Mấy chục vạn người chờ đón gội mưa giãi nắng suốt cả ngày đêm. Những cuộc biểu tình mít tinh liên tiếp. Diễn thuyết mỏi miệng, đêm ít ngủ. Sáng 29 tới Huế, mấy chục vạn người họp ở sân vận động, nghe diễn thuyết và hoan hô dân chủ cộng hoà. Chiều 29 đã gặp Bảo Đại. Chiều 30 sẽ làm lễ trao quốc quyền tại Ngọ Môn. Sáng 31 sẽ về Bắc mang theo quốc ấn, quốc kiếm, và quốc bảo. Dân chúng nhiệt liệt ủng hộ Chính phủ lâm thời. Đoàn đại biểu." Sau Cách mạng tháng Tám ông lần lượt giữ các chức vụ: Cục trưởng Chính trị, Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Chủ tịch Hội Văn hoá cứu quốc. Từ 1953, ông làm Trưởng ban nghiên cứu Văn sử địa thuộc Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Sử học, Phó chủ nhiệm ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Năm 1963, ông được bầu vào và trở thành Viện sĩ Viện Hàn Lâm khoa học Đức, và được tặng Huân chương. Ông mất tại Hà Nội, thọ 68 tuổi. Ông là người số 1 chứng kiến giây phút lịch sử sự thoái vị của vua Bảo Đại, tuyên bố cáo chung chế độ quân chủ Việt Nam. Bên cạnh nhà hoạt động cách mạng, ông còn là một nhà báo xuất sắc, một nhà văn tên tuổi để lại nhiều tác phẩm: Một lần tâm sự, Hiến thân vì nước, Ngục trung ký sự, Anh hùng yêu nước, Thái Nguyên khởi nghĩa, Lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam, Lịch sử 80 năm chống Pháp, Phong trào cách mạng Việt Nam qua thơ văn Nguyễn Trãi. Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội. Mặt sau của Nhà Văn hóa thành phố Huế (nơi đóng Nha Thương Bạc, rồi Trường Hậu bổ cũ), Trung tâm Ngôn ngữ Việt- Nhật nằm trên đường này.

Các bài khác
    << < 1 2 > >>