1. Vị trí con đường
Đường Trần Hưng Đạo nằm trên địa bàn phường Phú Hòa, về phía Đông Nam bên ngoài Kinh thành, khởi đầu từ đường Lê Duẩn (điểm tiếp giáp Bắc cầu Phú Xuân), qua ngã ba đường Đinh Tiên Hoàng, qua trước mặt chợ Đông Ba đến cầu Gia Hội (tiếp giáp đường Chi Lăng), dài 1086m. Đường phân lộ giới hai chiều xuôi ngược với bốn làn cơ giới, cấm xe ca xe tải hạng nặng.
2. Lịch sử con đường
Đường được hình thành từ đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc xây dựng Kinh thành Huế. Trước những năm 1920, đường này đã được gọi là Phố Trường Tiền. Từ năm 1955 trở về trước là đường Paul Bert (Rue Paul Bert - đường Paul Bert nguyên trước nối dài từ cầu Gia Hội đến cầu Bạch Hổ). Sau năm 1956, đoạn từ cầu Gia Hội đến cầu Trường Tiền là đường Trần Hưng Đạo; đoạn từ cầu Trường Tiền đến Cửa Ngăn là đường Nguyễn Hoàng. Sau năm 1960, đường Trần Hưng Đạo được giữ nguyên, đường Nguyễn Hoàng đổi thành đường Trịnh Minh Thế. Tháng 1/1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định, gộp cả hai đoạn lại làm một và đặt tên đường Trần Hưng Đạo như ngày nay. Dân gian vẫn quen gọi là phố Hưng Đạo, phố Trường Tiền, có khi cũng gọi là phố Đông Ba.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Trần Hưng Đạo (Bính Tuất 1226 - Canh Tý 1300) Trần Hưng Đạo người anh hùng dân tộc, vị tướng kiệt xuất của mọi thời đại, tên thật là Trần Quốc Tuấn, Tôn thất nhà Trần, quê làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường, nay là huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ông có tài thao lược, văn võ song toàn, khi quân Nguyên sang cướp nước ta vào năm 1284, 1285, ông được vua Trần Nhân Tông giao quyền phong làm Quốc công Tiết chế, tổng chỉ huy các đạo quân thủy bộ. Thế giặc mạnh, nhà vua lo ngại muốn tạm hàng, ông khảng khái nói: "Bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước rồi hãy hàng". Rồi ông viết "Hịch Tướng sĩ" khích lệ lòng quân, đôn đốc các thân vương công hầu, binh tướng tận trung cứu nước. Dưới tài chỉ huy lãnh đạo của ông, quân và dân Đại Việt chiến thắng vang dội ở Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, đuổi giặc ra khỏi nước ta, ông được phong Hưng Đạo Vương, lập thái ấp ở Vạn Kiếp, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Dù là người chỉ đứng dưới vua, nhưng ông thường tiến cử nhiều nhân tài ra giúp vua cứu nước, không kể sự học hay thuộc thành phần xã hội nào. Do vậy dưới trướng ông có hàng loạt danh tướng tài giỏi và trung liệt vì đất nước. Ông mất ở thái ấp Vạn Kiếp, hưởng thọ 74 tuổi. Nhân dân lập đền thờ ông gọi là Đền Kiếp Bạc. Ông được nhân dân phong Thánh, nhiều nơi trong cả nước đều có dựng tượng, lập đền thờ ông gọi là Đền Đức Thánh Trần. Ông được truy phong tôn hiệu: Thái phu Thượng Phụ Thượng Quốc Công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương. Ông để lại một số tác phẩm có giá trị cả về mặt văn học nghệ thuật lẫn nội dung tư tưởng, tính lý luận và nghệ thuật quân sự: Hịch tướng sĩ, Binh gia diệu lý yếu lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư. Trường Tiểu học Phú Hoà (Trường Paul Bert cũ), Nhà văn hóa Huế (địa điểm đóng Nha Thương Bạc, Trường Hậu bổ cũ), Công viên Thương Bạc, Nhà sách Phú Xuân, Công ty phát hành sách Tỉnh, Công ty Xổ số kiến thiết (địa điểm này trước 1960 là sân thể thao tennis, bóng tròn, cầu lông), Rạp chiếu bóng Đông Ba, Công ty vàng bạc đá quý, Công an Phú Hoà, Chợ Đông Ba nằm trên đường này.