Khu vườn của thế giới bên kia
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Triều đại nhà Nguyễn có 13 đời vua nhưng do những lý do lịch sử khác nhau nên chỉ xây dựng được 7 khu lăng tẩm. Mỗi lăng rộng từ hàng chục đến hàng trăm ha, qui mô lớn nhỏ khác nhau, xây dựng, bố cục theo những kiểu dáng khác nhau nhưng vẫn có những đặc điểm chung thống nhất. Bao quanh lăng là một vòng la thành rộng lớn. Phía ngoài la thành ngày trước là vùng đất cấm. Bên trong la thành, xung quanh các công trình kiến trúc có đào hồ thả sen, ven hồ trồng đủ các loại cây thích hợp, có kiểu dáng đẹp. Các công trình kiến trúc ở mỗi lăng thường được bố trí từ ngoài vào trong theo thứ tự
Phần lớn các lăng được xây dựng khi chủ nhân của nó còn ngồi trên ngai vàng cho nên tại đây có đủ cung điện, đình tạ, ao hồ để vua thỉnh thoảng đến vui chơi, tiêu khiển, sinh hoạt cùng đoàn tùy tùng mà lăng Tự Đức là tiêu biểu nhất, được xem là một hoàng cung thứ hai, sau Hoàng thành Huế. Cũng vì vậy, ở mỗi lăng có mỗi vẻ độc đáo riêng về nghệ thuật, tùy theo trình độ văn hóa, năng khiếu thẩm mỹ và tính cách của từng ông vua. Lăng Gia Long hoành tráng với diện tích 28 km2, phía trước có ngọn đại Thiên Thọ làm án, lưng tựa vào 7 ngọn núi nhấp nhô, trùng điệp và hai bên có 14 ngọn núi khác làm tả long hữu hổ. Lăng Minh Mạng thì thâm nghiêm với từng cặp công trình kiến trúc đăng đối, vững vàng, thể hiện tính cách trang nghiêm, đường bệ của một triều đại. Lăng Tự Đức phóng khoáng, hài hòa giữa thiên nhiên sẵn có và sáng tạo của con người với đường nét lãng mạn, trữ tình, gây được cảm xúc mới lạ, bất ngờ cho du khách tham quan, phản ánh được tâm hồn của một ông vua thi sĩ. Lăng Khải Định đồ sộ, tinh xảo, có sự giao thoa của nhiều trường phái kiến trúc phương Đông và phương Tây, phản ánh được buổi giao thời của lịch sử và cả cá tính của ông vua bù nhìn ở buổi mãn chiều xế bóng của chế độ phong kiến Việt Nam.
Gọi là lăng mộ, tẩm thờ nhưng mỗi lăng tẩm Huế là một khu vườn xanh tươi và thơ mộng bởi các nhà kiến trúc tài hoa của hai thế kỷ trước đã biết lợi dụng khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, của những dãi rừng thông nằm ven bờ sông Hương để đưa các công trình kiến trúc của mình vào một cách hợp lý. Mặt khác, các ông vua nhà Nguyễn cũng đã có ý thức tạo cho mình một cõi thiên đàng ở ngay trên trần thế, để họ hưởng thú tiêu dao khi còn tại vị, trước khi trở thành nơi yên giấc ngàn thu. Chính vì vậy mà ở lăng tẩm Huế không có mùi tử khí, không có ấn tượng của cõi chết mà chỉ thấy cõi thơ, cõi mộng của những tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cuộc đời.
Một người Pháp khi đến thăm lăng tẩm Huế đã ngây ngất trước cảnh thông reo, chim hót, suối chảy, hoa thơm mà viết rằng (đại ý): Các vua nhà Nguyễn đã khôn ngoan mà làm cho nơi tang tóc mỉm cười, vui tươi thổn thức.

  

Thanh Tùng