Ngự Hà và vai trò của nó trong hệ thống cấp thoát nước tự nhiên ở Nội thành
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Mặc dù các tài liệu của triều Nguyễn mà hiện nay các nhà nghiên cứu có được để sử dụng không cho biết nhiều và rõ về hệ thống cấp thoát nước tự nhiên trong Kinh thành, nhưng khi xây dựng một công trình kiên trúc lớn như thế, chắc hẳn các tác giả của nó không thể không suy nghĩ kỹ đến vấn đề này. Địa bàn Thành Nội rộng đến 520 ha. Vũ lượng trung bình hàng năm ở vùng Huế thuộc vào mức cao nhất nước (2.995,5 mm). Lũ lụt lại thường xảy ra trên lưu bồn sông Hương, gây ngập úng cho toàn vùng nói chung và khu vực Thành Nội nói riêng. Do đó, thiết lập một hệ thống tiêu thông tho&aac
I. Quá trình hình thành Ngự Hà:
Ngự Hà đã được hình thành dưới thời hai vị vua đầu triều Nguyễn. Con sông này vừa tự nhiên vừa nhân tạo. Tiền thân của Ngự Hà là sông Kim Long. Khi quy hoạch và chuẩn bị mặt bằng để xây dựng Kinh thành, các nhà kiến trúc thời Gia Long đã cho san lấp một số đoạn của sông ấy để thiết lập thân thành. Một số đoạn nguyên thủy của nó đã được dùng vào vài việc khác nhau, như tạo ra các hồ và Ngự Hà. Con sông này sẽ trở nên hoàn chỉnh dưới thời Minh Mạng. Các cầu bắc qua sông cũng thế. Một số sử sách triều Nguyễn có nói sơ về tiến trình này, nhưng không được mạch lạc và trọn vẹn cho lắm. Trong khi đó, ở bên bờ Ngự Hà hiện nay còn tồn tại hai tấm bia đá, trên đó, chúng ta có thể đọc được hai bài văn bia do chính vua Minh Mạng viết để nói về quá trình hình thành của con sông và các chiếc cầu liên quan: một là Ngự Hà bi ký và hai là Khánh Ninh kiều bi ký. Có thể xem hai bài văn bia là những tư liệu gốc và quý về Ngự Hà và những chiếc cầu bắc qua dòng sông này. Cả hai bài đều đã được nhà vua viết trong cùng một thời điểm và nội dung của chúng cũng đã được tác giả diễn đạt trong một mạch tư duy liên tục.
II. Ngự Hà trong vai trò cấp thoát nước tự nhiên ở Thành Nội:
Trong bài văn bia Ngự chế về cầu Khánh Ninh, vua Minh Mạng có nói đến hai chức năng của Ngự Hà. Một là “sông này rất tiện lợi cho mọi người trong sự đi lại để làm việc công cũng như việc tư”. Hai là nước của Ngự Hà có thể “cung ứng cho việc ăn uống và sử dụng của quân đội và dân chúng”.
Về chức năng của Ngự Hà mà chỉ nói thế thôi thì chắc hẳn là chưa đủ. Lịch sử và thực tế cho thấy nó còn có thêm những chức năng khác nữa.
1. Các chức năng của Ngự Hà: Sở dĩ các nhà kiến trúc thời Gia Long và Minh Mạng đã bỏ ra nhiều công sức để tạo ra cho được một dòng sông chảy ngang qua giữa lòng Kinh thành là vì nó rất cần thiết về nhiều phương diện đối với sinh hoạt của mọi người sống trong phạm vi Thành Nội, từ vua quan đến binh dân và gia đình họ. Có thể nói Ngự Hà đã mang các chức năng chính sau đây:
a. Giao thông vận tải bằng đường thủy: Từ thời Gia Long, rồi thời Minh Mạng, triều đình đã thiết lập một khu vực nhà kho ở khoảng phía nam cầu Ngự Hà và phía tây hồ Tịnh Tâm. Khu vực nhà kho ấy được gọi tên là Thương Trường hoặc Kinh Thương, tức là khu vực nhà kho của Kinh đô. Phần lớn các kho ở đây là những kho gạo và kho tiền. Các ghe thuyền chở những loại vật hạng ấy từ các địa phương về Kinh đô bằng đường biển, vào cửa Thuận An, ngược dòng sông Hương, đi vào Thành Nội bằng Đông Thành Thủy Quan, dùng Ngự Hà để đến nhập hàng ở các kho ấy. Vì đây là khu vực nhà kho, cho nên cầu Ngự Hà còn được gọi bằng một tên khác nữa là cầu Kho.
Sau khi đào xong nửa phần phía tây, Ngự Hà còn được dùng để thuyền bè đi lại từ đông sang tây và ngược lại mà khỏi phải đi vòng lên phía bắc hoặc xuống phía nam của Kinh thành. Các tư liệu cho biết triều đình cũng dùng con sông này để ghe thuyền chở các loại vật liệu như gỗ, đá, gạch từ các nơi vào bên trong Kinh thành để xây dựng nhiều công trình kiến trúc tại đó.
Michel Đức Chaigneau, một chứng nhân lịch sử thời Gia Long, đã viết rằng: “Con kênh này, chỉ có nhà nước sử dụng, được dùng để chuyên chở vào trong Thành Nội những vật liệu xây dựng và các thứ khác, chủ yếu là lúa gạo do thuế nộp từ các tỉnh, cũng như tiền do các tỉnh ở miền Bắc đúc ra. ở Nam Hà, những phương tiện vận chuyển bằng đường bộ hết sức khó khăn: người An Nam không có thói quen dùng xe cộ và súc vật như ở châu Âu”.
b. Cấp thoát nước tự nhiên cho địa bàn Thành Nội: Đây là một chức năng chính của Ngự Hà ngày xưa. Càng về sau, khi cư dân trong Thành Nội gia tăng, vấn đề cấp thoát nước ở đây càng trở nên quan trọng. Trong một bài văn bia Ngự chế dẫn thượng, vua Minh Mạng đã nói rằng nếu “dòng nước chẳng nối tiếp với đầu nguồn thì ứ đọng đục bẩn, không thể cung ứng cho việc ăn uống và sử dụng của quân đội và dân chúng”. Việc dòng chảy Ngự Hà dẫn nguồn nước trong sạch tự nhiên từ sông Hương vào để cung cấp cho sinh hoạt của con người, súc vật và tưới tắm cho cây cỏ trong địa bàn Thành Nội với diện tích 520 ha là rất cần thiết, nhưng đó chỉ mới là một mặt của vấn đề. Tháo thoát nước thải và nước tự nhiên ra khỏi khu vực rộng lớn ấy cũng là một việc hết sức quan trọng, nhất là khi xảy ra mưa to lũ lớn. Huế là một trong những vùng có vũ độ cao nhất Việt Nam. Lũ lụt là thiên tai xảy ra thường xuyên vào mùa thu và mùa đông hàng năm tại đây. Nếu không có thủy quan của Ngự Hà để tháo nước ra ngoài thì địa bàn Thành Nội sẽ bị ngập nặng, “thủy thần” có thể gây tai họa tận ngai vàng của vua trong Hoàng cung.
Vấn đề tiêu thông thoát nước vừa nêu đã được đặt ra ngay từ khi bắt đầu quy hoạch và xây dựng Kinh thành. Các nhà kiến trúc đầu thế kỷ XIX đã thiết lập một hệ thống điều tiết nước rất khéo léo và hợp lý cho khu vực Thành Nội. Ở khu vực này, ngoài Ngự Hà, còn có hơn 40 ao hồ lớn nhỏ khác nhau nằm rải rác khắp nơi. Có thể chia hệ thống ao hồ ở đây ra làm hai loại: hồ tự nhiên và hồ nhân tạo. Phần lớn các hồ tự nhiên đều là di tích của sông Kim Long và sông Bạch Yến. Những hồ này là từ các đoạn sông được san lấp và uốn nắn mà thành, như hồ Lấp, hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải… Hồ nhân tạo là những hồ do bàn tay con người đào để làm đẹp cho kiến trúc hoặc phục vụ cho những sinh hoạt khác nhau, như hồ Xã Tắc, hồ Khám, hồ Kim Thủy, hồ Thái Dịch… Ở trong Kinh thành, ngày xưa có một số ao hồ khá sâu, vào mùa hè vẫn đứng ngập cả người. Những hồ lớn đáng chú ý nhất là hồ Tả, hồ Tiền, hồ Bèo (mỗi hồ dài khoảng 500m), hồ Tây, hồ Khám, hồ Chùa, hồ Vuông, hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, hồ Nhơn Hậu, hồ Mưng, hồ Tân Miếu, hồ Xã Tắc, hồ Đô Thành Hoàng…Riêng ở khu vực Hoàng thành và Tử Cấm thành, những hồ đáng quan tâm là hồ Thái Dịch, hồ Ngọc Dịch, hồ Kim Thủy… Ngày xưa, tất cả các hồ tương cận đều thông nhau và thông với Ngự Hà bằng một hệ thống rãnh đào lộ thiên hoặc hệ thống cống xây ngầm bằng gạch đá rất kiên cố.
Ngoài các chức năng vừa nêu, Ngự Hà và hệ thống ao hồ ấy còn giữ vai trò điều tiết mực nước cho địa bàn Thành Nội. Chúng đã được quản lý chu đáo và giữ gìn cẩn thận, cho nên, mãi cho đến khi nhà Nguyễn cáo chung vào năm 1945, không hề thấy sử sách nói đến nạn ngập úng trong địa bàn này. Nhưng, sau đó một thời gian thì vấn đề không còn được khả quan như vậy.
2. Sự xuống cấp của Ngự Hà và các biện pháp cấp thoát nước chưa đạt: Từ năm 1945 đến nay, việc quản lý cư dân và đất đai trong Thành Nội có khi đã trở nên rất lỏng lẻo. Dân số địa phương phát triển nhanh. Trong các cuộc chiến tranh vừa qua, dân chúng ở nông thôn kéo lên thành thị tránh bom đạn. Họ tự động lấn chiếm địa bàn của Kinh thành hoặc được cấp đất một cách bừa bãi để làm nhà ở. Họ dựng nhà trên thượng thành, trên đất của các di tích, trên bờ Ngự Hà, bờ các ao hồ, rồi cơi nới để mở rộng diện tích nhà ở, hoặc lấn dần ra mặt nước bằng cách san lấp, đổ đất làm nền và xây dựng các loại công trình sinh hoạt chính và phụ một cách tùy tiện. Họ còn làm nhà kiểu “thủy tạ” trên Ngự Hà và các hồ ao. Trải qua một thời gian dài các sông hồ ở đây không được nạo vét, nay lại phải chứa bao nhiêu đồ phế thải do cư dân vứt bỏ. Đáy Ngự Hà và các ao hồ bị cạn dần vì chất thải và phù sa trầm lắng. Hệ thống cống rãnh lâu ngày bị nghẽn kẹt, ách tắc. Không lưu thông được nên nước nhiều nơi trở thành ao tù, đục bẩn. Vào mùa nắng nóng, lượng nước trong hệ thống thông thủy ấy chẳng còn được bao nhiêu để làm nhiệm vụ tự nhiên mà người xưa đã giao phó cho nó. Nhưng, mỗi khi trời mưa to thì nước lại tràn ngập đường sá, vườn tược, nhà cửa.
Hệ thống hào và Hộ Thành Hà ở ngoài Kinh thành cũng đã lâm vào tình trạng bị xâm phạm và xuống cấp như thế.
Tính đến năm 1995, đã có đến 2.557 căn hộ của dân chúng xây dựng trái phép ở khu vực 1 là khu vực bất khả xâm phạm của di tích Kinh thành. Trong số đó, có 452 căn hộ xâm phạm khu vực 1 của Ngự Hà.
Nhìn chung, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hệ thống thông thủy bao gồm Ngự Hà, hồ ao, cống rãnh dùng để điều tiết, cung cấp và tiêu thoát nước trong phạm vi Thành Nội đã xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng này đã và đang hủy hoại dần môi trường sinh thái ở đây, và, như một phản ứng tự nhiên đối với sự xâm phạm, gây ra rất nhiều bất tiện cho hàng vạn người đang sinh sống, làm ăn tại chỗ.
Để trả lại dáng vẻ vốn có của sông Ngự Hà, thành phố Huế đã tiến hành giải tỏa các hộ dân sống dọc hai bên sông và thực hiện triển khai dự án nạo vét, chỉnh trang tôn tạo sông Ngự Hà trên quy mô lớn. Nhờ vậy diện mạo của sông Ngự Hà đã được cải thiện đáng kể, không còn bị ô nhiễm và trở nên xanh, sạch, đẹp hơn. Nhờ thế, nơi đây lại trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch.
Sông Ngự Hà là một phần của di sản cố đô Huế. Dòng sông lịch sử này sẽ được thế hệ hôm nay và mai sau gìn giữ như một tài sản quý báu mà cha ông để lại.

  

Phòng Văn hóa & Thông tin TP