Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam, Thừa Thiên Huế rất tự hào và vinh dự là vùng đất gắn liền với một triều đại lẫy lừng - triều đại Tây Sơn; một vương triều đã làm nên những chiến công hiển hách trong giữ nước và thống nhất đất nước cuối thế kỷ XVIII mà công lao vĩ đại là của vị anh hùng lỗi lạc Quang Trung -Nguyễn Huệ.
Bối cảnh lịch sử nước ta nửa cuối thế kỷ XVIII hết sức rối ren; đất nước bị chia cắt Ðàng trong - Ðàng ngoài trên hai thế kỷ đã để lại những hậu quả nặng nề, nạn ngoại xâm đe dọa. Ở Ðàng ngoài, vua Lê hoàn toàn bất lực, chính trị thối nát, nhân dân lầm than; chúa Trịnh chuyên quyền nắm trọn quyền điều hành. Ở Ðàng trong, chúa Nguyễn cũng ngày càng thối nát; phong trào nông dân Tây Sơn nổi dậy năm 1771 đã đáp ứng được yêu cầu của lịch sử và nhanh chóng gây được thanh thế lớn trong nhân dân. Lo sợ trước thế lực của Tây Sơn đang trong xu thế phát triển mạnh ra Thuận Hóa - Phú Xuân; năm 1775 quân Trịnh đánh chiếm Phú Xuân và thống trị vùng đất này hơn 10 năm gây nhiều tội ác đối với nhân dân.
Là em trai của Nguyễn Nhạc, thủ lĩnh phong trào Tây Sơn, Nguyễn Huệ là một tường lĩnh có vai trò quan trọng. Ðặc biệt vào năm 1785, khi đánh tan quân xâm lược Xiêm ở Rạch Gầm - Xoài Mút; năm sau (1786) Nguyễn Huệ tiến ra Thuận Hóa và chỉ trong mấy ngày đạo quân Tây Sơn đã quét sạch quân Trịnh ra khỏi Phú Xuân; rồi trên đà thắng lợi, tiếp tục hành quân ra Bắc. Sau khi tiêu diệt xong thế lực chuyên quyền họ Trịnh, Nguyễn Huệ đã trao lại quyền bính cho vua Lê và rút quân trở về Phú Xuân.
Năm 1788 triều đình Mãn Thanh, mượn cớ giúp vua Lê, đã đưa binh hùng tướng mạnh theo chân Lê Chiêu Thống cướp nước ta. Ðược tin cấp báo, tại Phú Xuân, Nguyễn Huệ cho lập Ðàn Nam Giao làm lễ tế trời đất ở núi Bân (Bân sơn) để "Chính vị hiệu", tuyên bố lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung và phát động cuộc hành quân ra Bắc đánh dẹp giặc ngoại xâm.Với thiên tài quân sự kiệt xuất Quang Trung Nguyễn Huệ đã làm nên đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu (1789) lừng lẫy, quét sạch mấy chục vạn quân xâm lược, giữ vững biên cương của Tổ quốc, mang lại cuộc sống hòa bình cho nhân dân. Sau chiến thắng lịch sử đó, Nguyễn Huệ đã nhanh chóng chỉ đạo sắp xếp công việc chính trị ở Bắc Hà rồi kéo đại quân trở lại Phú Xuân. Suốt hơn mười năm sau đó (1789-1802), Phú Xuân là kinh đô của nước Ðại Việt thống nhất thời Tây Sơn. Tại đây vua Quang Trung đã ban bố và thực hiện chỉ đạo nhiều chính sách quan trọng về nội trị và ngoại giao nhằm xây dựng và phát triển đất nước. Vương triều Tây Sơn đứng đầu là Hoàng đế Quang Trung, là triều đại phong kiến đã mang lại nhiều vinh quang cho dân tộc ta, ở nửa sau thế kỷ XVIII mà trung tâm đầu não lúc bấy giờ là kinh đô Phú Xuân.
Di tích, di vật thời kỳ Tây Sơn trên đất Phú Xuân vẫn còn tồn tại trong thư tịch và trên thực tế. Ðặc biệt núi Bân (Bân sơn) đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1988. Trong hai thập niên trở lại đây nhiều di vật quan trọng cũng đã được phát hiện ở nhiều địa điểm khác nhau ở Thừa Thiên Huế, đáng chú ý nhất là hai quả chuông đồng ở làng La Chữ (huyện Hương Trà) và làng Hạ Lang (huyện Quảng Ðiền) đều có khắc bài minh và danh sách hàng chục nhân vật thuộc hàng quan chức Tây Sơn; Một bức trướng thêu kinh Kim cương có niên hiệu thời Tây Sơn được bảo quản tại chùa Trúc Lâm (TP Huế); hai tấm bia đá ghi dòng chữ "Hỗ hướng Tây Sơn khởi"; hai bia đá có nội dung liên quan đến nhân vật Phạm Công Trị (người đóng giả vua Quang Trung sang giao hảo với vua Thanh); ngoài ra còn có hàng trăm trang tư liệu Hán Nôm (thủ bản) gồm sổ sách, giấy tờ hành chánh như địa bạ, đinh bạ, đơn trương, văn khế, khoán ước, chiếu biểu, truyền thị...được ban hành dưới thời Tây Sơn ghi niên hiệu Thái Ðức, Quang Trung, Cảnh Thịnh đã cung cấp thêm nhiều thông tin rất cần thiết và bổ ích về triều đại này.