Xử lý nghiêm vi phạm đối với những trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông
22/10/2024 11:30:24 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Thời gian qua tình trạng học sinh phổ thông, nhất là cấp trung học phổ thông, trung học cơ sở vi phạm quy định trật tự an toàn giao thông (ATGT) rất phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông (TNGT); tập trung vào một số hành vi vi phạm như điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, sử dụng xe máy, xe máy điện, đặc biệt là tình trạng thanh thiếu niên tụ tập thành nhóm để đua xe, lạng lách, vượt ẩu tại các tuyến đường trung tâm.

   Theo quan sát tại nhiều trường phổ thông trên địa bàn thành phố phần lớn các em tan học sẽ được bố mẹ đón, đi xe đạp hoặc đi bộ về nhà. Tuy nhiên, vẫn có một số học sinh đi xe máy đến trường, gửi xe tại các điểm trông xe tự phát do người dân lập nên. Trong số các em, hầu hết đều chưa có bằng lái xe, chưa đủ tuổi sử dụng và chưa có ý thức khi sử dụng phương tiện tham gia giao thông. Thực trạng này rất đáng lo ngại, diễn ra phổ biến tại nhiều trường học, là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho TNGT trong học sinh tăng cao.

   Hiện nay, trên đường phố xuất hiện rất nhiều phương tiện xe máy điện và xe gắn máy dưới 50cc, đó là những chiếc xe có dung tích xi-lanh dưới 50cc và theo quy định pháp luật hiện hành thì người điều khiển phương tiện sẽ không cần bằng lái. Chính số lượng xe gắn máy dưới 50cc và xe máy điện tăng chóng mặt trong thời gian qua, đối tượng sử dụng chủ yếu lại là học sinh và với quy định người đủ từ 16 tuổi trở lên điều khiển xe mô tô hai bánh dưới 50cc không cần giấy phép lái xe cho nên nhiều gia đình đã sắm cho con, em của mình những chiếc xe máy dưới 50cc dùng để di chuyển khi đi học. Với lứa tuổi chưa phát triển hết về thể chất và tinh thần cũng như chưa nhận thức được rõ về mặt pháp luật dẫn tới tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT và gây rất nhiều khó khăn đối với cơ quan quản lý và hệ lụy cho xã hội.

   Trước thực trạng đó, lực lượng CSGT thường xuyên tổ chức tuyên truyền đến trường học nhất là các em học sinh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thiết nghĩ, nhà trường, thầy cô giáo cùng các bậc phụ huynh cần tích cực hơn, quyết liệt hơn trong việc kiểm soát tình trạng học sinh đi xe máy đến trường học, đồng thời công tác tuyên truyền giáo dục an toàn giao thông tại các trường cần tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa bằng nhiều hình thức phong phú, trực quan, để các em có thể nhận thức được tầm quan trọng của việc chấp hành luật giao thông, tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra khi tham gia giao thông.

Thanh Nguyễn (Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Huế)
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>