Hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch
21/02/2013 2:49:20 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:

     Ngày 21/11/2012 Bộ Tư pháp ban hành công văn số 9310/BTP-HCTP hướng dẫn giải quyết một số vướng mắc khi triển khai thực hiện Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực (sau đây gọi là Nghị định số 06/2012/NĐ-CP) và Thông tư số 05/2012/TT-BTP ngày 23/5/2012 của Bộ Tưpháp về sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 08.a/2010/TT-BTP ngày 25/3/2010 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng sổ, biểu mẫu hộ tịch (sau đây gọi là Thông tư số 05/2012/TT-BTP). Để hiểu và thống nhất quy định về hộ tịch, Bộ tư pháp đã có văn bản giải thích rõ hơn một số nội dung về hộ tịch, trên cơ sở đó phòng Tư pháp triển khai tới 27 UBND phường với những nội dung hướng dẫn về hộ tịch như sau:     
     1. Các giấy tờ cá nhân xuất trình khi đăng ký hộ tịch
     Tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 06/2012/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Điều 9 của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định về các giấy tờ cá nhân xuất trình ki đăng ký hộ tịch. Theo đó các giấy tờ như giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ hộ khẩu, sổ đăng ký tạm trú, thẻ thường trú, thẻ tạm trú hoặc chứng nhận tạm trú, đương sự chỉ phải xuất trình khi trực tiếp đến nộp hồ sơ đăng ký hộ tịch; còn trong trường hợp gửi hồ sơ qua đường bưu chính (không nộp trực tiếp) thì phải nộp bản sao có chứng thực.
     2. Về những người có quyền và lợi ích liên quan đến việc nhận cha, mẹ, con.
     Theo quy định tại khoản 8 Điều 1 của Nghị định số 06/2012/NĐ-CP quy định " việc nhận cha mẹ con theo quy định tại mục này được thực hiện, nếu bên nhận, bên được nhận là cha mẹ con còn sống vào thời điểm đăng ký nhận cha mẹ con và việc nhận cha mẹ con là tự nguyện không có tranh chấp giữa những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến việc nhận cha mẹ con".  
     Hiện nay chưa có hướng dẫn "những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan" đến việc nhận cha mẹ con gồm những ai. Nhưng từ quy định trên thì hiểu rằng, trước hết phải gồm các bên liên quan trực tiếp đến việc nhận cha, mẹ, con như: người nhận hoặc người được nhận là cha; người nhận hoặc người được nhận là mẹ; người nhận hoặc người được nhận là con. Giữa những người này phải tự nguyện và không có tranh chấp. Đồng thời pháp luật cũng không quy định bắt buộc phải có ý kiến đồng ý của những người liên quan khác ( thuộc hàng thừa kế thứ nhất).
     Tuy nhiên trong quá trình giải quyết việc đăng ký nhận cha mẹ con, nếu có tranh chấp giữa những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cha mẹ con tức là những người có quyền, lợi ích liên quan khác, thì việc nhận cha mẹ con cũng không được thực hiện theo quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP và Nghị định số 06/2012/NĐ-CP.
     3. Về việc cam đoan trong trường hợp đăng ký lại khai sinh, khai tử, kết hôn.
     Theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 06/2012/NĐ-CP quy đinh " Trong trường hợp không có bản sao giấy tờ hộ tịch, thì đương sự phải tự cam đoan về việc đã đăng ký, nhưng sổ bộ hộ tịch không còn lưu trữ được và chịu trách nhiệm về nội dung cam đoan". Quy định này được hiểu, trước khi đăng ký lại, người có yêu cầu phải có trách nhiệm liên hệ với địa phương đã đăng ký trước đây ; trường hợp sổ hộ tịch không còn lưu giữ được, thì đương sự cam đoan, nội dung cam đoan được ghi trong tờ khai đăng ký lại. Nội dung cam đoan này (cũng như việc xác nhận của UBND cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch theo quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP) chỉ thể hiện việc đã đăng ký, nhưng sổ hộ tịch không còn lưu giữ được mà không phải cam đoan về nội dung đăng ký. Do đó, khi đăng ký lại, đương sự phải cung cấp được giấy tờ, chứng cứ thể hiện nội dung đăng ký làm cơ sở cho việc đăng ký lại hộ tịch.
     4. Về chữ ký của cha mẹ trong Tờ khai đăng ký khai sinh ( mẫu TP/HT-2012-TKKS.1)
     Về nguyên tắc, tờ khai đăng ký khai sinh phải có chữ ký của cả cha và mẹ để đảm bảo tính thống nhất về các nội dung trong tờ khai đăng ký khai sinh như: việc đặt tên cho con, việc chọ họ cho con( theo họ cha hoặc mẹ), việc chọn quốc tịch cho con (theo quốc tịch cha hoặc mẹ). Tuy nhiên trong những trường hợp cha hoặc mẹ vì lý do khách quan (như: đi công tác, đi làm ăn xa, cha hoặc mẹ mất năng lực hành vi dân sự...) không thể trực tiếp ký vào tờ khai thì chỉ cần chữ ký của một người nhưng phải ký cam đoan về việc đã trao đổi và thống nhất về nội dung khai sinh với người kia; trường hợp trẻ em là con ngoài giá thú chưa xác định được người cha thì trong tờ khai phải có chữ ký của người mẹ, trường hợp người mẹ vì lý do khách quan (như đã nêu trên) không thể trực tiếp ký vào tờ khai thì người đi khai sinh ký vào tờ khai. 
     Cha mẹ có thể ký trước trong tờ khai đăng ký khai sinh, không cần chứng thực chữ ký, người đi khai sinh tự chịu trách nhiệm về tính xác thực về chữ ký của cha, mẹ. Người đi khai sinh chỉ phải ký trong trường hợp không phải là cha mẹ.
     5. Cách ghi quyết định thay đổi, cải chính hộ tịch/ xác định lại dân tộc/ xác định lại giới tính; quyết định công nhận việc nhận cha mẹ con.
     Nội dung trong dấu "..." của mục " Xét đề nghị của ... về việc ..." trong biểu mẫu Quyết định về việc (thay đổi, cải chính hộ tịch/xác định lại dân tộc/ xác định lại giới tính) và mục " Xét đề nghị công nhận việc nhận ...của..." trong biểu mẫu Quyết định về việc công nhận việc nhận (cha/mẹ/con). Để thống nhất cách ghi, thì thông tin trong dấu "..." sẽ được ghi theo các ví dụ sau:
     VD 1.Về biểu mẫu Quyết định về việc ... (thay đổi/cải chính hộ tịch)
     Xét đề nghị của ông Nguyễn Văn A, công chức Tư pháp hộ tịch về việc cải chính năm sinh của cháu Trần Văn B, 
     VD 2. Vể biểu mẫu Quyết định về việc công nhận việc... (nhận cha/ mẹ/ con)
     Xét đề nghị công nhận con của ông Nguyên Văn B, theo đề nghị của bà Nguyễn Thị A, công chức Tư pháp hộ tịch,
     6. Cách ghi Mục nơi thường trú/tạm trú của cha mẹ trong giấy khai sinh và sổ đăng ký khai sinh của người con trong trường hợp cha, mẹ đã chết.
     Trong trường hợp vào thời điểm đăng ký khai sinh (kể cả đăng ký quá hạn, đăng ký lại) mà cha, mẹ đã chết, thì mục Nơi thường trú/ tạm trú của cha, mẹ sẽ ghi "Đã chết"  
     7. Việc cung cấp những giấy tờ chứng minh mối quan hệ cha, mẹ, con trong việc đăng ký khai sinh quá hạn và đăng ký lại việc sinh.
     Trong trường hợp đăng ký khai sinh quá hạn cho người đã thành niên mà một trong hai bên cha mẹ đẻ đã chết, thì căn cứ vào những giấy tờ cá nhân có ghi quan hệ cha, mẹ, con do đương sự xuất trình để ghi; trường hợp không có  giấy tờ ghi về quan hệ cha mẹ con thì cơ quan đăng ký hộ tịch phải xác minh, làm rõ trước khi đăng ký.
     Trên đây là hướng dẫn của Bộ Tư pháp, phòng Tư pháp triển khai đến UBND 27 phường trên địa bàn thành phố Huế được biết, trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh về phòng Tư pháp pháp để được hướng dẫn kip thời.

Văn phòng HĐND và UBND Thành phố