Phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát động vào đầu năm 2019 và nay đã trở thành hoạt động nhằm nâng cao ý thức chung của cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, có sức lan tỏa lớn, vinh dự được Thủ tướng Chính phủ khen ngợi, là điển hình để các tỉnh bạn học hỏi. Đề án "Ngày Chủ nhật xanh" không chỉ dừng lại ở phong trào mà đã trở thành một nếp sống đẹp, dần xây dựng ý thức, thói quen của người dân, là hoạt động thường xuyên tại mỗi cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, làm thay đổi diện mạo từ đô thị đến nông thôn, nhiều vấn đề về môi trường phần nào được giải quyết, số lượng điểm đen về ô nhiễm đã giảm bớt, chất lượng đời sống nhân dân được nâng cao.
Hoạt động "Ngày Chủ nhật xanh" không chỉ đơn thuần là hoạt động ra quân tổng vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, phế thải, khơi thông cống rãnh…mà điều quan trọng nhất là góp phần làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân trong việc xây dựng tư duy "sống xanh" và bảo vệ môi trường. Theo đó, ngày 07/11/2024 UBND thành phố Huế ban hành Công văn số 10984/UBND-MT về triển khai thực hiện Đề án Ngày Chủ nhật xanh “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm Xanh – Sạch – Sáng” năm 2024.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án "Ngày Chủ nhật xanh", UBND Thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị và UBND 36 phường, xã trên địa bàn thành phố Huế tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào “Chủ nhật vì công đồng”, gắn với phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, phong trào thi đua “Dân vận khéo xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các phong trào do tỉnh, thành phố và địa phương phát động hằng tuần, tuần cao điểm, hằng tháng, quý; quá trình triển khai thực hiện phong trào cần gắn chặt chẽ với chương trình giảm nghèo bền vững, góp phần hoàn thành chi tiêu giảm nghèo tại địa phương trong năm 2024. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; tiếp tục phát huy hiệu quả các kênh thông tin chính thống của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở; qua các kênh truyền hình, báo điện tử, báo giấy, bản tin điện tử; hệ thống truyền thanh; các trang mạng xã hội, nhằm tuyên truyền, quảng bá các hoạt động của phong trào trên địa bàn thành phố. Tăng cường công tác vận động, kết nối các nguồn lực xã hội, các mô hình tình nguyện với các tổ chức và cá nhân thiện nguyện, các cơ quan, đơn vị, trường học đóng trên địa bàn tạo sự lan tỏa, qua đó tập hợp được nhiều lực lượng và tầng lớp nhân dân cùng tham gia phong trào. Đẩy mạnh việc kết nối, vận động các tổ chức, cơ sở tôn giáo trên địa bàn trong việc phối hợp triển khai thực hiện các chủ trương, Nghị quyết quan trọng của Thành ủy, các phong trào và cuộc vận động của Tỉnh, Thành phố và địa phương phát động, đặc biệt phong trào “Chủ nhật vì cộng đồng”. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện phong trào tại cơ sở, đặc biệt công tác tuyên truyền, vận động và sự hưởng ứng của người dân đối với phong trào thông qua các hoạt động định kỳ, thường xuyên tại khu dân cư vào chủ nhật hằng tuần. Quá trình thực hiện cần gắn với công tác kiểm tra, đánh giá mô hình điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” các địa phương đã đăng ký thực hiện trong năm 2024.