Trong khuôn khổ các dự án với WWF tại Huế đã hình thành các điểm dừng chân kết hợp thu gom rác, địa điểm công cộng, cung cấp nước uống cho du khách, góp phần xây dựng hình ảnh văn minh và giảm thiểu rác thải nhựa
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo Kết thúc Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam giai đoạn 2021-2024 và Triển khai mở rộng dự án năm 2025 được tổ chức tại thành phố Huế vào tháng 11/2024.
Chương trình Đô thị Giảm Nhựa là một sáng kiến của WWF Quốc tế nhằm kết nối các thành phố và các điểm đến du lịch cùng hành động chống lại ô nhiễm nhựa. Thông qua chương trình, WWF nâng cao năng lực cho các địa phương nhằm đạt được mục tiêu không rác nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030.
Thời gian qua tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Tổ chức WWF và Văn phòng WWF - Việt Nam đã triển khai rất nhiều dự án đa dạng, góp phần hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên; nâng cao nhận thức, sinh kế của cộng đồng người dân địa phương nhằm giảm thiểu nguy cơ khai thác tài nguyên rừng và săn bắt động vật hoang dã trái pháp luật, từng bước xác định giá trị đa dạng sinh học từ rừng và bảo tồn theo hướng bền vững…
Đặc biệt, Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” có tác động rất tích cực đến cảnh quan, môi trường của tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung và TP. Huế nói riêng. Dự án đã hỗ trợ công tác phân loại rác tại nguồn, thu gom và xử lý, đẩy mạnh thu hồi rác tái chế từ bãi chôn lấp, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân liên quan đến chất thải nhựa, góp phần lớn làm cho TP. Huế trở nên xanh, sạch, sáng hơn.
Ông Văn Ngọc Thịnh, Tổng Giám đốc WWF-Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, Huế là thành phố thức 7 ký cam kết trở thành Đô thị Giảm Nhựa, hướng đến mục tiêu đến năm 2024 giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường. Với sự tài trợ của WWF-Na Uy, WWF-Việt Nam đã đồng hành cùng thành phố Huế thông qua Dự án "Huế - Đô thị Giảm Nhựa ở miền Trung Việt Nam trong 4 năm qua.
Bằng việc triển khai các hoạt động can thiệp, dự án đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác giảm thiểu rác thải nhựa tại Huế, trong đó đã thu gom và quản lý được 570 tấn rác thải nhựa, đạt 265% so với mục tiêu ban đầu. Nhiều mô hình, sáng kiến và giải pháp đã và đang được triển khai thành công trên địa bàn thành phố Huế.
Thành phố Huế đã tiếp nhận 2 xe ép rác trị giá gần 10 tỷ đồng từ WWF - Việt Nam vào sáng 28/9/2024. Xe ép rác góp phần tối ưu hóa chi phí thu gom và vận chuyển rác thải rắn sinh hoạt, góp phần giảm tỷ lệ rác thải nhựa thất thoát ra môi trường
Theo đó, chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã được triển khai trên toàn thành phố Huế với sự trang bị đồng bộ 295 điểm thùng lưu chứa chất thải rắn sau phân loại cùng hàng loạt các biện pháp truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi. Mô hình "Trường học giảm nhựa" đã lan tỏa đến 51 trường tiểu học và trung học cơ sở, thu hút sự tham gia của hơn 155.000 giáo viên và học sinh. Dự án cũng triển khai thành công việc áp dụng công nghệ và giải pháp thông minh trong quản lý chất thải rắn. Bên cạnh đó, thông qua các chiến dịch truyền thông, các hoạt động đã tiếp cận được 1,1 triệu lượt người tham gia và ghi nhận sự đồng hành của 127 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thay đổi hành vi sử dụng nhựa và phân loại rác tại nguồn...
Đặc biệt, dự án góp phần thúc đẩy hình thành, phát triển các mô hình du lịch giảm nhựa tại thành phố Huế. Hiện đã có 41 đơn vị, bao gồm khách sạn, công ty lữ hành và nhà hàng, đã ký cam kết triển khai giảm nhựa. 12 khách sạn đã xây dựng và thực hiện kế hoạch Hành động giảm nhựa tại đơn vị. 4 đơn vị lữ hành cam kết và hiện đang thực hiện các tour du lịch giảm rác thải nhựa. Dự án cũng xây dựng thành công Điểm đến du lịch giảm nhựa cộng đồng tại Thủy Biều với 16 cơ sở cộng đồng tham gia. Tại các điểm đến du lịch và di sản Huế, 9 Trạm nhà chờ và máy cấp nước miễn phí được đưa vào khai thác sử dụng nhằm khuyến khích người dân và du khách giảm sử dụng nhựa dùng một lần.
Người dân tham gia các hoạt động thuộc dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam
Bà Hoàng Ngọc Tường Vân, Giám đốc Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam cho biết: "Với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, sự tham gia nhiệt tình của các đối tác, người dân trên địa bàn và sự hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật của người dân Na Uy, dự án đã triển khai thành công các can thiệp và sáng kiến giảm nhựa, vượt mức mong đợi so với chỉ tiêu đề ra. Thông qua những thành tựu ban đầu đã thực hiện, dự án kỳ vọng thành phố Huế sẽ tiếp nối để tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động trong thời gian tới, hướng đến xây dựng Huế là một đô thị giảm nhựa tiêu biểu ở miền Trung Việt Nam, là hình mẫu để các thành phố khác học tập và phát triển".
Trong khuôn khổ hội thảo lần này, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Huế và WWF-Việt Nam cùng các đơn vị cũng đã trao đổi, thảo luận, đánh giá quá trình thực hiện dự án, rút ra những bài học kinh nghiệm, mô hình hay để định hướng kế hoạch tiếp tục triển khai và mở rộng dự án trong năm 2025.
Tuổi trẻ Thành phố Huế hưởng ứng, tham gia Ngày hội giảm thiểu rác thải nhựa
Thừa Thiên - Huế và WWF - Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác
Ngày 18/10/2024, tại trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã diễn ra lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam).
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, Thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh và Văn phòng WWF - Việt Nam được ký ngày hôm nay sẽ là cơ sở quan trọng để hai bên xây dựng khung hợp tác trong giai đoạn 2025- 2030, từ đó huy động nhiều nguồn lực hơn nữa, hỗ trợ lâu dài cho tỉnh Thừa Thiên - Huế trong việc thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh tỉnh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2025.
Tại buổi lễ, tỉnh Thừa Thiên - Huế và WWF đã tiến hành trao đổi một số nội dung hợp tác trong thời gian qua, định hướng hợp tác trong thời gian tới. Trong đó tập trung vào một số nội dung chính như: hỗ trợ công tác bảo tồn, tăng cường đa dạng sinh học, phát triển các chuỗi giá trị, nâng cao sinh kế của cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng; công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan; triển khai Chương trình phân loại rác tại nguồn của TP. Huế và quản lý rác thải nhựa trên địa bàn TP. Huế…
|