Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình: Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp trong gia đình
26/11/2024 4:04:20 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Gia đình là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc, là chiếc cầu nối giữa cá nhân với cộng đồng, là hạt nhân tế bào của xã hội.
   Thành phố Huế tổ chức Lễ phát động đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình
 
   Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định vai trò quan trọng của gia đình: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Bên cạnh đó, gia đình còn là nền tảng của xã hội, nơi mỗi người được nuôi dưỡng, giáo dục và phát triển nhân cách. Trong gia đình Việt Nam truyền thống, mối quan hệ giữa ông bà, cha mẹ, con cháu được xây dựng theo một tôn ti, trật tự nhất định, có trên có dưới. Ở đó có tình nghĩa vợ chồng sâu nặng, có tình yêu thương giữa cha mẹ với con cái, sự hiếu thảo, tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ của con cái, cháu chắt đối với các bậc sinh thành.
   Trong xu thế hội nhập quốc tế, văn hóa gia đình Việt vừa có điều kiện để tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm xây dựng gia đình của các nước tiên tiến trên thế giới nhằm làm phong phú hơn văn hóa gia đình Việt. Tuy nhiên, gia đình Việt Nam cũng đứng trước những thách thức lớn trong công tác bảo tồn những giá trị truyền thống, nét đặc trưng của người Việt trong xây dựng và phát triển gia đình, mặc khác, việc du nhập các xu hướng văn hóa ngoại lai, không phù hợp với thuần phong mỹ tục cũng là điều đáng báo động khi chúng ta vừa tập trung để tiếp thu có chọn lọc nhưng đồng thời phải tăng cường sức đề kháng cho văn hóa gia đình gắn với bảo tồn, phát huy.
   Đưa văn hóa gia đình truyền thống Việt Nam trở thành khuôn mẫu điều chỉnh hành vi ứng xử của thành viên gia đình
   Nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục về giá trị văn hóa truyền thống, phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững, ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, ngày 28/01/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình với 05 tiêu chí ứng xử gồm: Tiêu chí ứng xử chung; Tiêu chí ứng xử giữa vợ, chồng; tiêu chí ứng xử giữa cha mẹ với con, ông bà với cháu; tiêu chí ứng xử giữa con với cha mẹ, cháu với ông bà và tiêu chí ứng xử giữa anh, chị, em.
   Được ban hành trong bối cảnh tỷ lệ ly hôn đang tăng nhanh, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm mục đích từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đồng thời củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc.
Tập huấn Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình cho các Hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hương Phong
 
   Phát động và nhân rộng Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, tạo động lực lan tỏa các phong trào, mô hình trên địa bàn
   Xác định thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình là giải pháp đúng đắn, góp phần hoàn thành các mục tiêu trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, trong những năm qua, Phòng Văn hóa và Thông tin Thành phố với chức năng là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Công tác gia đình định kỳ hằng năm đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch về triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn, đề ra các nhóm nội dung, nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện bao gồm: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị, địa phương, cộng đồng, người dân về sự cần thiết của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đối với việc xây dựng lối sống lành mạnh, gia đình tiến bộ, hạnh phúc; tổ chức Lễ phát động đăng ký thực hiện Bộ Tiêu chí; Hướng dẫn các địa phương triển khai đăng ký và đánh giá việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; Tổ chức lồng ghép bồi dưỡng nâng cao năng lực triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình.
   Trong năm 2023, UBND Thành phố đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh tổ chức Lễ phát động Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại địa bàn phường An Cựu; phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh triển khai tuyên truyền Chiến lược phát triển gia đình tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023 và tuyên truyền Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024. Đồng thời, cấp phát 7.200 tờ gấp Bộ tiêu chí đến 36 phường, xã trên địa bàn. Năm 2024, UBND Thành phố đã tổ chức Lễ phát động Triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại địa bàn phường Thủy Xuân với 150 hộ gia đình đăng ký tham gia triển khai thực hiện Bộ tiêu chí.
   Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố hiện nay có nhiều phong trào được triển khai, nhiều mô hình được thực hiện góp phần tích cực vào việc giáo dục đời sống gia đình, thực hiện Bộ tiêu chí như: Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, Nhóm Phòng chống Phòng chống bạo lực gia đình; các phong trào xây dựng “Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “ Gia đình 5 có 3 sạch”, CLB “ Hạnh phúc gia đình” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; CLB “Tiền hôn nhân” của Đoàn Thanh niên… 
   Từ năm 2016 đến nay, Thành phố đã triển khai và duy trì Mô hình Phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã thành lập được 15 Mô hình Phòng, chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, các phường, xã đã thành lập và duy trì hoạt động các CLB Sinh con một bề, CLB Gia đình hạnh phúc, CLB Nuôi con khỏe dạy con ngoan, CLB Gia đình phát triển bền vững, Nhóm phòng chống bạo lực gia đình; lồng ghép công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, thực hiện Bộ tiêu chí vào các kế hoạch, chương trình liên quan về công tác gia đình, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”. Công tác tuyên truyền được coi là giải pháp trọng tâm, thực hiện với nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Đồng thời, thành lập các đường dây nóng và địa chỉ tin cậy tại cộng đồng nhằm tiếp nhận, hỗ trợ, tư vấn và bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân bị bạo lực gia đình. Khi có bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn, các Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình đã phối hợp với Tổ hòa giải ở thôn, tổ dân phố kịp thời can thiệp, tư vấn, góp ý, phê bình tại cộng đồng nhằm ngăn chặn các vụ bạo lực gia đình tái diễn.
   Đến cuối năm 2023, với sự nỗ lực của các cấp chính quyền Thành phố, sự quan tâm của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh, Bộ tiêu chí đã được triển khai sâu rộng và đồng bộ trên địa bàn toàn Thành phố. Nhân dân trên địa bàn đã bước đầu tiếp cận, nắm được nội dung, ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình và cam kết thực hiện, từ đó đã góp phần thay đổi ý thức, có sự điều chỉnh về hành động, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng, gìn giữ hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội. Kết quả, năm 2023, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 92,2%; các hộ gia đình trên địa bàn Thành phố đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí đạt tỷ lệ 92,8% tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện Bộ tiêu chí trong những năm tiếp theo.
   Trong thời gian tới, song song với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, ngành văn hóa và thông tin của thành phố sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, định hướng tập trung vào một số nội dung, hoạt động chính như: Tiếp tục nâng cao năng lực và trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác gia đình các cấp trong đó chú trọng giáo dục đạo đức, đời sống gia đình. Lồng ghép và gắn Bộ tiêu chí ứng xử gia đình với các tiêu chuẩn xét tặng gia đình văn hóa, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” để tuyên truyền, lan tỏa rộng rãi Bộ tiêu chí. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động tuyên truyền theo hướng đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí, các loại hình truyền thông mới, sử dụng hiệu quả internet và mạng xã hội, trong đó chú trọng truyền thông trực tiếp tại cộng đồng. Xây dựng tài liệu, hướng dẫn tuyên truyền thực hiện Bộ tiêu chí. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực thực hiện triển khai Bộ tiêu chí cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình tại cơ sở. Tổ chức biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong quá trình triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình…
   Có thể thấy, trong bối cảnh xã hội hiện đại, các giá trị gia đình đang đối mặt với nhiều thách thức. Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình chính là công cụ, nền tảng bảo vệ gia đình khỏi những tác động tiêu cực này. Nó giúp mỗi thành viên trong gia đình nhận thức rõ ràng về vai trò và trách nhiệm của mình, nhận thức rõ về giá trị của gia đình trong cuộc sống, từ đó cùng nhau xây dựng và duy trì hạnh phúc gia đình. Vì vậy, việc áp dụng và tuân thủ Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình là điều vô cùng quan trọng và cần thiết, không chỉ giúp gia đình trở nên hòa thuận, hạnh phúc mà còn góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, giúp giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
   Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác gia đình là nhiệm vụ cấp thiết, đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về công tác gia đình của chính quyền các cấp đòi hỏi phải thường xuyên và đồng bộ với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh và hợp tác quốc tế. Sự chung tay tham gia của các đoàn thể và ý thức của mỗi người dân sẽ là chìa khóa để chúng ta gìn giữ những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt. Đây cũng là thước đo thể hiện sự hiệu quả của Bộ tiêu chí ứng trong gia đình, để mỗi hành động, việc làm của thành viên trong gia đình thật sự là kiểu mẫu về chuẩn mực văn hóa, đạo đức con người Việt Nam.
Huỳnh Thị Ly (Phòng Văn hóa & Thông tin TP Huế)