Ngày 22/11/2013, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014. Theo đó, kể từ ngày 01/07/2014 thì các công trình cao tầng còn phải được trang bị hệ thống tự động phát hiện cháy; phương tiện, hệ thống chữa cháy bảo đảm khả năng tự chữa cháy; được sử dụng vật liệu xây dựng khó cháy và không sử dụng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt dễ cháy.
Đồng thời, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ PCCC, bao gồm: Tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát; tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật; thi công, lắp đặt hệ thống PCCC; sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị PCCC; huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ PCCC và kinh doanh phương tiện, thiết bị, vật tư PCCC... phải có cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động kinh doanh; Người đứng đầu doanh nghiệp và người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh dịch vụ PCCC phải có văn bằng, chứng chủ phù hợp với hoạt động kinh doanh.
Đặc biệt, nghiêm cấm mọi hành vi mang hàng và chất dễ cháy, nổ trái phép vào nơi tập trung đông người; thi công công trình có nguy hiểm về cháy, nổ, nhà cao tầng, trung tâm thương mại mà chưa có thiết kế được duyệt về PCCC; không báo cháy khi có điều kiện báo cháy hoặc trì hoãn việc báo cháy...
Nhà nước cũng khuyến khích cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia bảo hiểm cháy, nổ. Riêng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ phải thực hiện bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với tài sản của cơ sở đó. Ngoài ra, người tham gia chữa cháy cũng sẽ được hưởng chế độ bồi dưỡng về vật chất; trường hợp bị chết, bị thương, bị tổn hại sức khỏe hoặc bị tổn thất về tài sản thì được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.