1. Vị trí con đường
Đường Xã Tắc nằm trên địa bàn phường Thuận Hòa, thuộc khu vực Thành nội, khởi đầu từ đường Ngô Thời Nhậm, chạy qua chính giữa Đàn Xã Tắc đến đường Trần Nguyên Hãn, dài 250m. Đường lưu thông hai chiều, cấm xe ca xe tải.
2. Lịch sử con đường
Đường này hình thành từ đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc lập Đàn Xã Tắc. Nguyên trước chỉ là con kiệt nhỏ nền rải bằng đất để đi vào khu vực đàn thờ. Sau năm 1970 mới mở rộng; cuối năm 1996 nâng cấp đổ nhựa và trở thành một đường phố riêng. Tháng 6/1999, UBND tỉnh thành phố Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Xã Tắc (lấy tên của Đàn Xã Tắc) như bây giờ.
3. Địa danh lịch sử gắn liền với con đường
Xã Tắc là tên gọi tắt của địa điểm xây đàn thờ Thổ thần (Thần đất), Cốc thần (Thần lúa) mà xưa nay người ta quen gọi là Đàn Xã Tắc, một hình thức tôn sùng, tạ ơn và cầu nguyện cho mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp Việt Nam dưới thời phong kiến. ở đây, nhà vua thường thân đến làm chủ tế sau khi lễ Tế Giao xong. Đàn Xã Tắc được xây dựng từ năm 1806, theo kiểu hình vuông, hai tầng, đắp bằng đất ngũ sắc lấy từ các vùng quê trong cả nước. Đàn xây thành xung quanh, có cửa thông ra bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc, lại có lan can bao quanh đàn thờ. Trên đàn đặt hai án thờ: Thái Xã thần vị (bên phải), Thái Tắc thần vị (bên trái). Trước mặt đàn thờ có hồ nước làm minh đường cũng lấy tên hồ Xã Tắc. Truyền rằng, xưa kia đàn Xã Tắc là nơi linh nghiệm, triều đình tế lễ mùa màng thường có ứng. Đàn Xã Tắc trải qua nhiều biến cố lịch sử và chiến tranh cùng với thời gian phong hóa, nay đã trở thành phế tích. ở khu vực này hiện có tấm bia đá khắc mấy chữ Xã Tắc Chi Thần. Để lưu giữ một địa danh giàu tính triết lý nhân văn phương Đông của cư dân nông nghiệp, chính quyền địa phương đã lấy tên Đàn Xã Tắc đặt tên cho con đường nhỏ chạy vào vị trí đàn thờ cũ. Phế tích Đàn Xã Tắc, Khu tập thể Xã Tắc nằm trên đường này.