1. Vị trí con đường
Đường Trần Nguyên Đán nằm trên địa bàn phường Thuận Hòa, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Ông ích Khiêm, qua ngã tư các đường Trần Nguyên Hãn, Ngô Thời Nhậm, Yết Kiêu, Thạch Hãn đến đường Triệu Quang Phục, dài 1003m. Đường lưu thông hai chiều, cấm xe tải nặng.
2. Lịch sử con đường
Đường này hình thành từ đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc xây dựng Đàn Xã Tắc. Từ năm 1955 trở về trước là đường Tân Miếu. Sau năm 1956 đặt tên là đường Lê Đình Đàn. Tháng 1/1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định đặt tên mới là đường Trần Nguyên Đán.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Trần Nguyên Đán (ất Sửu 1325 - Canh Ngọ 1390) Trần Nguyên Đán, danh sĩ, nhà lịch pháp, Tôn thất nhà Trần, lấy hiệu Băng Hồ, quê làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, nay thuộc xã Lộc Vượng, tỉnh Nam Định. Ông là chắt nội của Thượng tướng quân Trần Quang Khải, được bổ dụng từ ngày còn rất trẻ, đời Trần Dụ Tông ông làm Ngự sử Đại phu, đến đời Trần Nghệ Tông được bổ làm Đại Tư đồ, tước Chương Túc Hầu. Ông là người hết mình vì triều đại, luôn lo lắng trước sự lấn vua soán ngôi của Thái sư Lê Quí Ly (năm 1400 Lê Quí Ly mới đổi lại họ Hồ) nhưng thế lực không đủ sức. Năm 1385, ông chán đường công danh lui về Côn Sơn trí sĩ, viết văn, soạn lịch pháp, kiến thiết vùng động Thanh Hư thành một danh lam nổi tiếng. Ông đã gả con gái yêu quí cho nho sinh Nguyễn Phi Khanh, nuôi dạy cậu cháu ngoại bên mình sau này trở thành bậc danh tài lỗi lạc của đất nước, đó là Nguyễn Trãi. Ông mất năm 1390, thọ 65 tuổi. Tác phẩm chính để lại: Băng Hồ ngọc hác tập và Bách thế thông kỷ. Sinh thời lúc ông đã về trí sĩ, nhưng trong lòng vẫn canh cánh việc nước, thể hiện qua bài thơ "Dạ qui chu trung tác": "Dân bị lầm than mấy vạn thừa, Yên tan, Biện nát đã bao giờ. Giang hồ chiếc gối chưa yên giấc, Mượn lửa thuyền chài đọc sách xưa". Trường Tiểu học Thuận Hòa, Miếu Đô Thành hoàng nằm trên đường này.