1. Vị trí con đường
Đường Nguyễn Văn Khả nằm trên địa bàn phường An Tây, có chiều dài 170 mét.
2. Lịch sử con đường
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Nguyễn Văn Khả (1875 - 1964): Người làng An Nông, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc. Nhà vốn theo nghề nông, nhưng cha mẹ ông cố gắng lao động vất vả để cho con đi học nghề thợ mộc. Với tư chất thông minh, bàn tay khéo léo, ông sớm thành nghề và chẳng bao lâu nổi tiếng vùng kinh kì, không ai sánh bằng. Vua Khải Định biết, gọi ông vào cung, giao cho việc thiết trí nội ngoại thất, xây dựng đền đài, cung điện. Nhân xem quyển Catalogue đồ mĩ nghệ thời Louis (Pháp) thế kỉ XVIII của vua, ông đã kết hợp nghệ thuật chạm trổ Châu Âu với nghệ thuật cổ truyền Việt Nam. Ông lập xưởng mộc trong Thành Nội, diện tích rộng 1.500m2 với hơn 100 thợ, sản xuất theo phương pháp dây truyền khoa học, ông tự vẽ kiểu, tạo dáng như một kiến trúc sư, một kĩ sư tài năng, kết hợp truyền thống với hiện đại. Khải Định nể phục, tặng bức hoành phi bốn chữ “ Đệ nhất xảo thủ” năm 1918, phong hàm cửu phẩm văn giai, kiểm thảo, biên tu (nên người ta gọi là Kiểm Khả, Biên Khả). Sản phẩm của ông không những công phu tỉ mỉ mà còn đầy tính nghệ thuật, như: chiếc ngai vàng và bửu tán trong điện Thái Hoà, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức (1923), lăng Khải Định (1920 - 1931), Duyệt Thị Đường (1925), Đoan Trang Viên (1921), điện Hòn Chén, nhà Thương Bạc (1936), hai chiếc tủ kính dự hội chợ đấu xảo Marseille (Pháp) được tặng Chân mĩ bội tinh (1925)... Cả đời, ông được tặng 16 huy chương và 11 bằng khen nghệ thuật. Năm 1945, ông tham gia Tuần lễ vàng, đem tất cả số huy chương hiến cho cách mạng, lại khuyến khích các con đi theo tiếng gọi của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó, người con trai cả là Nguyễn Văn Chung bị Pháp bắt và xử bắn tại Chợ Thông. Trong các văn tự thờ ông, có đôi liễn do sư Phước Hậu chùa Linh Quang viết:
"Ngọc bút châu phê siêu quần bất nhị
Kim tiên chiếu chỉ xuất chúng vô song".