Hoàng Thị Loan
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:

1. Vị trí con đường

Đường Hoàng Thị Loan nằm trên địa bàn phường An Tây, về phía Nam Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Ngự Bình (quốc lộ 49, tại ngã ba tiếp giáp giữa hai núi Ngự Bình và Tam Tầng), chạy qua trước mặt chùa cổ Viên Thông, qua cầu xóm Hành đến đường Tam Thai, dài 1550m. Đường nhiều đoạn rất hẹp, lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Đường này đoạn từ Ngự Bình vào chùa Viên Thông có từ thế kỷ 18, nguyên thủy đường làng thuộc xã An Cựu xưa; đoạn còn lại mở tiếp những năm 1960. Sau cắt phần đất này giao về xã Thủy An, đến tháng 9/1981 mới sát nhập vào thành phố. Năm 2000, sửa chữa nâng cấp đến tháng 8/2001, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định đặt tên là đường Hoàng Thị Loan. Dân gian vẫn quen gọi là đường vào chùa Viên Thông.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Hoàng Thị Loan (Mậu Thìn 1868 - Tân Sửu 1901) Thân mẫu của Hồ Chủ tịch, quê ở làng Hoàng Trù (làng Chùa), xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Bà là con gái yêu của cụ đồ Hoàng Xuân Đường, một gia đình có nhiều người hoạt động yêu nước nổi tiếng. Bà lấy ông Nguyễn Sinh Huy (tức Sắc) sinh hạ được 4 người con: Nguyễn Thị Thanh, hiệu Bạch Liên (1884 - 1950) thường gọi O Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm tức Nguyễn Tất Đạt (1888 - 1950) thường gọi Cả Khiêm, Nguyễn Sinh Cung (tức Bác Hồ sau này), và một người con trai út là Nguyễn Sinh Xin mất tại Huế lúc còn rất nhỏ. Bà là người vợ tần tảo, chịu đựng, thay chồng gánh vác mọi việc nhà để ông có điều kiện học hành thi cử. Là một phụ nữ hiền hậu, đảm đang, sống bằng nghề làm ruộng, dệt vải và chăm sóc dạy dỗ các con, một người phụ nữ Xứ Nghệ đặc biệt hy sinh tất cả vì chồng và tương lai con cái. Khi cụ Phó bảng vào Kinh lần thứ nhất 1895, bà đưa con và cùng chồng vào Huế. Cuộc sống, hoàn cảnh của gia đình bà lúc ấy rất khó khăn, nhất là những lúc ông đi kinh lý xa.Tuy vậy, bà vẫn cố gắng làm lụng, chăm sóc dạy dỗ các con theo cách riêng của gia đình. Chính vì vậy mà sau này các con của bà chịu ảnh hưởng rất lớn từ bà và trở thành những nhà yêu nước nổi tiếng, họ cống hiến trọn đời mình cho dân tộc Việt Nam. Bà là người mẹ đã sinh ra người con sau này trở thành danh nhân đất nước - cậu bé Nguyễn Sinh Cung, là người mà bà chăm lo dạy dỗ nhiều nhất, trở thành Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới - Bác Hồ kính yêu! Bà mất tại Huế khi vừa mới sinh người con thứ tư, năm 1901, hưởng dương 33 tuổi, được an táng tại phía tây triền núi Tam Tầng (còn gọi là Hòn Thiên, hoặc núi Bân). Năm 1922, cô Thanh con gái đầu của bà đã vào Huế cải táng đưa di cốt bà về Nghệ An - hiện lăng mộ bà đặt tại Đại Huệ, một dãy núi đẹp cả vị trí cảnh quan lẫn phong thủy của huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tại núi Bân - Huế, chính quyền địa phương đã dựng nhà bia ghi dấu tích và tưởng niệm bà. Chùa cổ Viên Thông do Hòa thượng Liễu Quán lập ra, Chùa Từ Phong Lan Nhã nằm cạnh đường này.

Các bài khác
    << < 1 2 > >>