Tôn Thất Thiệp
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Một góc đường
Một góc đường

1. Vị trí con đường

Đường Tôn Thất Thiệp nằm trên địa bàn hai phường Thuận Hòa và Tây Lộc, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Ông ích Khiêm, men theo chân bờ thành phía Tây qua ngã tư các đường Yết Kiêu, Thái Phiên đến đường Lương Ngọc Quyến, dài 2158m. Đường lưu thông hai chiều, cấm xe tải nặng.

2. Lịch sử con đường

Đường này được mở từ đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc xây dựng Kinh thành Huế. Từ năm 1955 trở về trước, đường mang tên Nam Đài (lấy tên đài quan sát khí tượng - một cơ quan của Khâm Thiên Giám, đóng ở đầu đường này). Sau năm 1956 đặt tên mới là đường Tôn Thất Thiệp cho đến ngày nay. Dân gian thường gọi là đường Bờ thành phía Tây.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Tôn Thất Thiệp (Canh Ngọ 1870 - Mậu Tý 1888) Tôn Thất Thiệp, anh hùng kháng Pháp cận đại, con của danh tướng Tôn Thất Thuyết, quê ở xóm Phú Mộng, làng Vạn Xuân, nay thuộc phường Kim Long, thành phố Huế. Khi Kinh đô Huế thất thủ, năm 1885, vua Hàm Nghi xuất cung ra chiến khu Quảng Bình, ông mới 15 tuổi đã hăng hái theo cha cùng anh là Tôn Thất Đàm đi làm cận vệ nhà vua. Tuy là cận vệ nhà vua nhưng vua tôi bằng tuổi nhau, nên coi nhau như bạn bè. Từ chiến khu Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình, Tôn Thất Thuyết sang Trung Quốc cầu viện; ông và Tôn Thất Đàm hết lòng giữ an ninh cho nhà vua. Nhưng do bị tên Trương Quang Ngọc và Nguyễn Trinh nội phản đem quân Pháp vào tận căn cứ bắt vua Hàm Nghi. Đang đêm, nghe động ông tỉnh giấc, cầm gươm xông ra ngăn chặn, không may bị một tên lính người Mường phóng lao xuyên ngực, ông ngã xuống chết ngay tại chỗ vào đêm 1/11/1888, hưởng dương 19 tuổi ta. Tôn Thất Thiệp là một tấm gương tuổi trẻ yêu nước hy sinh oanh liệt vì dân tộc. Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Thiên Tân và một số nhà vườn còn giữ được nét xưa của Huế nằm trên đường này.

Các bài khác
    << < 1 2 > >>