Trương Hán Siêu
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:

1. Vị trí con đường

Đường Trương Hán Siêu nằm trên địa bàn phường Thuận Lộc, thuộc khu vực Tây Linh, Thành nội, khởi đầu từ đường Trần Xuân Soạn đến đường Thánh Gióng, dài 120m. Đường lưu thông hai chiều, cấm xe tải nặng.

2. Lịch sử con đường

Nguyên là xứ ruộng thấp, sau năm 1960 cho san lấp để xây dựng khu dân cư mới, nhân đấy mà mở đường này. Từ năm 1976 trở về trước là đường Lê Chung. Tháng 1/1977, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Trương Hán Siêu.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Trương Hán Siêu (? - Bính Thân 1354) Trương Hán Siêu, danh sĩ thời nhà Trần, tự là Thăng Phủ, hiệu Độn Tẩu, quê ở làng Phúc Thành, huyện Yên Ninh, nay là thôn Phúc Am, xã Ninh Thành, thị xã Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Ông là người thông minh, học rộng, trước làm môn khách của Trần Hưng Đạo. Năm 1308, vua Trần Anh Tông phong ông làm Hàn Lâm học sĩ. Đời Minh Tông ông giữ chức Hành khiển. Đời Trần Dụ Tông, năm 1339, ông làm Hữu ti Lang trung ở Môn hạ. Đời Trần Dụ Tông đổi sang Tả Tư Lang kiêm chức Kinh Lược sứ ở Lạng Giang, năm 1345 ông được thăng chức Gián nghị Đại phu tham chính sự. Ông được vua Dụ Tông sai cùng với Nguyễn Trung Ngạn hợp soạn bộ "Hoàng Triều Đại Điển" và bộ "Hình Luật Thư". Năm 1351, ông được phong Tham tri Chính sự. Năm 1353, ông lãnh chiếu chỉ ra trấn nhậm Hoá Châu (Huế), sai người xây thành đắp luỹ, lập kế chống giặc. Năm 1354, ông cáo bệnh xin nghỉ, trên đường về Bắc, chưa kịp đến nhà thì mất, sau được truy tặng Thái phó và cho thờ ở Văn Miếu. Ông là tác giả bài phú Bạch Đằng Giang nổi tiếng; tại tháp Linh Tế ở núi Non Nước, Ninh Bình còn khắc bài ký do ông soạn gọi là Linh Tế tháp ký, và bài văn khắc ở bia chùa Quang Nghiêm. Ông để lại các tác phẩm chính: Bạch Đằng giang phú, Cúc hoa bách vịnh, Quang Nghiêm tự bi ký, Dục Thúy sơn, Linh Tế tháp ký, Quá Tống độ và Hoá Châu tác. Bài "Hoá Châu tác" được ông viết trong cơn bạo bệnh lúc đương giữ chức Trấn nhậm Hóa Châu khoảng cuối năm 1353 qua đầu năm 1354. Đây là bài thơ đầu tiên của nước ta viết ở vùng này, và cũng có thể xem đây là bài thơ cổ nhất về Huế: "Ngọc kinh hồi thủ ngũ vân thâm, Linh lạc tàn sinh khổ bất câm (cấm). Dĩ biện hoang giao mai bệnh cốt, Hải thiên thao mộc cộng sầu ngâm". (Ngoảnh đầu lại Ngọc kinh (Kinh đô Thăng Long) năm mây thăm thẳm; Kiếp sống tàn điêu linh xơ xác, khổ không chịu nổi. Đã sửa soạn chốn hoang vu để chôn vùi nắm xương ốm yếu; Cỏ cây nơi trời biển xa xôi cùng ta ngâm thơ sầu). Nhà nghiên cứu Hoa Bằng dịch như sau: "Ngoảnh lại năm mây phủ đế đô, Hồn tàn bao xiết khổ bơ vơ. Thôi đành cõi rậm vùi xương bệnh, Cây cỏ chung sầu cũng họa thơ". Ông nổi tiếng văn chương, chính trị, làm quan trải bốn đời vua, làm thầy hai vua Hiến Tông và Dụ Tông. Ông cũng là người có công lớn với Hoá Châu buổi đầu mở đất xuôi về Nam. Đền thờ ông dựng tại làng Phúc An, khu đất phía Nam núi Dục Thúy, sau nhiều năm hư hại đã được trùng tu lại, tháng 11/2000, chính quyền và nhân dân thị xã Ninh Bình đã tổ chức khánh thành và mở lễ hội truyền thống ở đền.

Các bài khác
    << < 1 2 3 > >>