1. Vị trí con đường
Đường Trần Nhật Duật nằm trên địa bàn phường Thuận Lộc, thuộc khu vực Tây Linh, Thành Nội, khởi đầu từ đường Lê Trung Đình, qua ngã tư các đường Thái Phiên, Thánh Gióng đến đường Lương Ngọc Quyến, dài 583m. Đường lưu thông hai chiều.
2. Lịch sử con đường
Đường này hình thành từ thế kỷ 19, cùng thời với đường Chánh Tây (đường Thái Phiên bây giờ). Từ năm 1955 trở về trước là đường Tây Linh. Sau năm 1956 đặt tên mới là đường Trần Nhật Duật cho đến ngày nay.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Trần Nhật Duật (ất Mão 1255 - Tân Mùi 1331) Trần Nhật Duật là danh tướng, người anh hùng đánh trận Hàm Tử đuổi giặc Nguyên Mông đời Trần Nhân Tông, là con thứ 6 của vua Trần Thái Tông, được phong tước Chiêu Văn Vương. Quê làng Tức Mặc, tỉnh Nam Định. Ông thông minh từ nhỏ, sớm giỏi quân sự, nhạy cảm chính trị, am tường văn hoá lịch sử phong tục tập quán, biết nhiều thứ tiếng của các dân tộc thiểu số nước ta. Năm 1280, ông cầm quân đi đánh dẹp tù trưởng ở đạo Đà Giang tên là Trịnh Giác Mật nổi loạn chống triều đình. Mật thách ông "nếu một mình một ngựa đến trại thì Mật xin hàng". Ông chấp nhận, chỉ đem theo 6 tiểu đồng mỗi người một ngựa thẳng tới trại của Mật. Thấy ông dũng cảm, tự tin lại quá thông thạo ngôn ngữ dân tộc ít người, Mật đem lòng cảm phục chịu qui thuận triều đình. Năm 1285, ông chỉ huy quân sĩ đánh thắng quân Nguyên Mông tại trận Hàm Tử, một trận đánh quyết định thắng bại toàn cục, danh tiếng ông càng lẫy lừng. Năm 1302, ông được phong Thái úy Quốc Công sau thăng lên Tá Thánh Thái Sư. Năm 1329, được tấn phong Đại Vương. Ông làm quan trải qua bốn triều vua Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông và Hiến Tông, công trạng tột bậc kể cả đánh giặc, xây dựng quê hương vỗ về dân chúng yên bình. Ngoài ra ông còn là một nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà sáng tác âm nhạc cung đình nổi tiếng thời ấy. Ông mất năm 1331, hưởng thọ 76 tuổi. Ông để lại tác phẩm: Lĩnh Nam dật tử. Dưới thời nhà Nguyễn, ông được phối thờ ở miếu Lịch Đợi Đế Vương. Đường Trần Nhật Duật là một trong số rất ít đường được hình thành khá sớm của vùng Tây Linh, thuộc khu vực Thành Nội Huế.