1. Vị trí con đường
Đường Trường Chinh nằm trên địa bàn phường Xuân Phú và An Đông, về phía Đông Nam Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Bà Triệu đến đường Hoàng Quốc Việt (tiếp giáp cầu Kiểm Huệ), dài 1000m. Đường lưu thông hai chiều.
2. Lịch sử con đường
Nguyên xưa là con đường đất nhỏ chạy qua cánh đồng làng An Cựu Đông, sau năm 1990 chính quyền địa phương lập khu quy hoạch dân cư mới, nhân đấy mà nâng cấp mở rộng đường này. Lúc đầu được gọi là đường Khu quy hoạch Kiểm Huệ; năm 1996 đặt tên là đường Lê Hữu Trác (trước đó đã có đường Lê Hữu Trác ở phường Tây Lộc!?). Tháng 6/1999, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Trường Chinh. Dân gian vẫn gọi là đường Kiểm Huệ. Đường này hướng chính của xe du lịch đi tham quan Cầu Ngói Thanh Toàn - một di tích vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính văn hóa kiến trúc nghệ thuật khá tiêu biểu của thời các chúa Nguyễn Đàng Trong.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Trường Chinh (Đinh Mùi 1907 - Mậu Thìn 1988) Trường Chinh, nhà thơ, nhà báo, nhà lý luận mác xít, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam. Ông tên thật là Đặng Xuân Khu, bút danh là Sóng Hồng, biệt hiệu là Trường Chinh (biệt hiệu này dùng thay tên thật). Quê ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Xuất thân trong một gia đình Nho học, vừa khoa bảng vừa làm thầy thuốc. Năm 1926, ông là một trong những người lãnh đạo cuộc bãi khoá để truy điệu chí sĩ Phan Chu Trinh tại Nam Định. Nhân đó, bị đuổi học, ông lên Hà Nội vào học ở Trường Cao đẳng Thương mại. Năm 1927, ông gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1930, ông được chỉ định vào Ban Tuyên truyền Cổ động T.Ư Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm đó ông bị bắt và kết án 12 năm tù cầm cố đày đi Sơn La, nhưng đến cuối 1936 ông được trả tự do. Ông tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ. Tại Hội nghị T.Ư Đảng lần thứ 7, năm 1940, ông được bầu vào BCH T.Ư. Hội nghị T.Ư lần thứ 8, năm1941, ông được cử làm Tổng bí thư của Đảng, đồng thời làm chủ bút các báo Giải phóng, Cờ Giải phóng và Tạp chí Cộng sản. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, ông được cử vào nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, như Tổng bí thư, Chủ tịch ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Tháng 7/1986, ông lại được bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 12 năm ấy ông được cử làm Cố vấn Ban chấp hành T.Ư Đảng. Do công lao to lớn đối với cách mạng và dân tộc, ông được Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng Huân Chương Sao Vàng và nhiều Huân, Huy chương cao quí khác, các nước xã hội chủ nghĩa anh em cũng tặng ông nhiều Huân chương Hữu nghị... Ông mất ngày 30 tháng 9 năm 1988, hưởng thọ 81 tuổi. Ông để lại các tác phẩm chính: Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hoá Việt Nam, Vấn đề dân cày, Công tác tư tưởng của Đảng, Tăng cường công tác báo chí của chúng ta, Về văn hoá văn nghệ, Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Mấy vấn đề quân sự trong cách mạng Việt Nam, Chủ nghĩa Cộng sản mục đích và lý tưởng của Đảng, Về cách mạng tư tưởng và văn hoá, Tập thơ Sóng Hồng và nhiều tác phẩm, bài viết chính luận, báo chí cách mạng. Nhiều thành phố, thị xã trong cả nước đã lấy tên ông đặt tên cho đường phố. Khách sạn Cố Đô, Công ty Xây dựng công trình giao thông 501, Bệnh viện Nguyễn Văn Thái (Bệnh viện tư nhân đầu tiên ở Huế), Tịnh Lâm Nhi - cà phê vườn nổi tiếng với hàng chục chậu mai cảnh lâu niên độc đáo dưới mái nhà rường cổ, Nhà thờ họ Nguyễn nằm trên đường này.