1. Vị trí con đường
Đường Nguyễn Tuân nằm trên địa bàn phường Xuân Phú, về phía Nam sông Hương, khởi đầu từ đường Dương Văn An đến đường Nguyễn Lộ Trạch, dài 215m. Đường lưu thông hai chiều, cấm xe tải nặng.
2. Lịch sử con đường
Được mở từ đầu thế kỷ 19, nguyên là đường thôn Bình Lục, xã Thủy Phú (năm 1983 đổi thành phường Xuân Phú), thuộc huyện Hương Thủy. Đến tháng 9/1981 mới sát nhập vào thành phố, đường được mở rộng. Từ năm 1995 trở về trước, thường gọi là kiệt 3 Xuân Phú. Tháng 5/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Nguyễn Tuân.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Nguyễn Tuân (Canh Thân 1910 - Đinh Mão 1987) Nguyễn Tuân là nhà văn hiện đại, với các bút hiệu: Nguyễn, Ân Ngũ Tuyên, Nhất Lang, Thanh Hà, Ngột Lôi Quất, Tuấn Thừa Sức. Nguyễn Tuân quê ở làng Mọc, (Nhân Mục), huyện Từ Liêm (nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là nhà văn nổi tiếng từ trước 1945. Ông đi nhiều, viết nhiều, cộng tác nhiều tờ báo, rồi làm diễn viên kịch, diễn viên điện ảnh. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đóng góp nhiều công sức cho nền văn học cách mạng. Ông từng là Tổng thư ký Hội Văn Nghệ Việt Nam, ủy viên ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, ủy viên Thường vụ, Cố vấn ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là nhà văn tài hoa xuất chúng trong sự nghiệp viết bút ký, tùy bút, truyện ngắn, tiểu thuyết, phóng sự, phê bình văn học. Ông mất tại Hà Nội, năm 1987, hưởng thọ 77 tuổi. Nguyễn Tuân được đánh giá là nhà văn lớn, nhà văn hóa của Việt Nam thế kỷ XX. Ông mất để lại các phẩm chính: Ngọn đèn dầu lạc, Nhà bác Nguyễn, Vang bóng một thời, Một chuyến đi, Tùy bút I, Tắt đèn dầu lạc, Chiếc lư đồng mắt cua, Thiếu quê hương, Tùy bút II, Tóc chị Hoài, Chùa Đàn, Tùy bút kháng chiến, Sông Đà, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, Chuyện nghề. Do công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và văn hóa dân tộc, ông được Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quí. Tác phẩm của ông được tuyển chọn giảng dạy ở tất cả các cấp học của nền giáo dục Việt Nam hiện đại. Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Nhà thờ họ Nguyễn Lương, Từ Sơn Công từ nằm trên đường này.