1. Vị trí con đường
Đường Triệu Quang Phục nằm trên địa bàn phường Thuận Hòa, thuộc khu vực Thành nội, khởi đầu từ đường Phùng Hưng, qua ngã tư Nguyễn Trãi, men theo sông Ngự Hà đến đường Tôn Thất Thiệp, dài 1034m. Đường lưu thông hai chiều, cấm xe tải nặng.
2. Lịch sử con đường
Đường này hình thành từ đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc đào sông Ngự Hà, xây dựng Kinh thành Huế. Từ năm 1955 trở về trước là đường Tây Thành. Sau năm 1956 đặt tên mới là đường Triệu Quang Phục cho đến ngày nay.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Triệu Quang Phục (? - Tân Mão 571) Triệu Quang Phục, danh tướng nhà Tiền Lý, sau xưng là Triệu Việt Vương, quê ở Chu Diên, phủ Vĩnh Tường, nay là huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 541, ông theo cha là Thái phó Triệu Túc giúp Lý Bôn đánh đuổi quân nhà Lương. Năm 545, khởi nghĩa thành công, ông được phong Tả tướng quân. Khi quân nhà Lương lại sang cướp nước ta, ông chống cự quyết liệt, sau thế yếu phải lui binh rút về đóng bản doanh ở đầm Dạ Trạch, một vùng lau sậy um tùm, hiểm trở thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Năm 548, Lý Bí mất ở động Khuất Liêu, ông thay quyền lãnh đạo, điều động binh dân kháng chiến cứu nước, tự xưng là Việt Vương. Năm 551, ông đem quân đánh tan quân Lương thu phục thành Long Biên. Do nghĩa tình với Lý Nam Đế, ông thuận lòng cho người họ Lý là Lý Phật Tử đóng quân gần bản doanh của ông, để gây tình hoà hiếu hợp sức chống ngoại xâm. Nhưng Lý Phật Tử muốn nắm trọn quyền, nên năm 571 Lý Phật Tử bất ngờ đánh úp Long Biên. Ông không chuẩn bị đề phòng, đành phải bỏ thành chạy, đến sông Đại Nha (sau đổi là Đại An, thuộc huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) thì cùng đường. Ông đã nhảy xuống biển tự vẫn. Nay ở gần chỗ ông gieo mình còn đền thờ ông. Triệu Quang Phục là một danh tướng tài ba có trái tim nhân hậu, anh hùng chống ngoại xâm thế kỷ thứ VI của nước ta. Đường này chạy sát phía Nam Ngự Hà, không rộng lắm nhưng lại hưởng được sự thoáng đãng của môi trường sông nước.