1. Vị trí con đường
Đường Trần Quý Cáp nằm trên địa bàn phường Thuận Lộc, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Đinh Tiên Hoàng đến đường Tạ Quang Bửu, dài 330m. Đường lưu thông hai chiều, cấm xe ca xe tải nặng.
2. Lịch sử con đường
Đường này hình thành từ đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc xây dựng kho Kinh Thương. Từ năm 1955 trở về trước là đường Kinh Thương (lấy tên kho chứa thóc và tiền tại Kinh đô). Sau năm 1956 đặt tên mới là Trần Quý Cáp cho đến ngày nay.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Trần Quý Cáp (Canh Ngọ 1870 - Mậu Thân 1908) Trần Quí Cáp, nhà yêu nước cận đại, có tên khác là Trần Nghị, tự Dã Hàng, Thích Phu, hiệu Thai Xuyên. Quê ở thôn Thai La, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông thi đỗ Tiến sĩ năm 1904, được bổ làm Giáo thụ huyện Thăng Bình, rồi đổi sang dạy học ở Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà. Ông nhiệt tình yêu nước, hưởng ứng phong trào Cần Vương, cổ vũ phong trào Đông du do Phan Bội Châu khởi xướng, tích cực hoạt động duy tân, nâng cao dân trí, dân sinh, kêu gọi học chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, chống cách học từ chương thi cử theo lối cũ, nên được sĩ phu kính trọng, xem ông là "lãnh tụ trong nhóm tân học". Năm 1905, ông đã cùng Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng làm bài thơ: "Chí thành thông thánh" và bài phú "Danh sơn lương ngọc" khích động lòng yêu nước của trí thức, gây ảnh hưởng lan rộng khắp toàn quốc rất được mọi giới quan tâm. Năm 1908, phong trào Duy tân ở Trung Kỳ lên cao, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp khủng bố trắng, Trần Quí Cáp bị tên án sát Phạm Ngọc Quát bắt giam, rồi kết án tử hình, chém ngang lưng. Ông hy sinh tại Khánh Hoà, hưởng dương 38 tuổi. Tương truyền ông làm nhiều văn thơ nặng lòng yêu nước, kêu gọi trí thức đứng lên chống Pháp. Cái chết oanh liệt đầy bi thương của ông đã gây xúc động mạnh trong nhân dân cả nước. Rất nhiều nhà chí sĩ yêu nước đã làm văn thơ khóc ông. Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng làm văn tế, dâng đôi liễn điếu ông. Ông sáng tác nhiều, nhưng đa số bị thất lạc, nay chỉ còn lại mấy bài phú: Sĩ phu tư trị luận, Trúc thất Hoàng Sơn, Danh ngọc Lương sơn, Hoàn bích qui triệu và một số bài thơ chữ Nôm, chữ Hán. Nguyên xưa kho Kinh Thương (kho chứa thóc và tiền bạc tại Kinh đô - xây dựng từ năm 1806) của triều đình Huế đóng ở vùng này.