1. Vị trí con đường
Đường Trần Nguyên Hãn nằm trên địa bàn phường Thuận Hòa, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Lê Huân, chạy qua ngã tư các đường Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Cư Trinh đến đường Tôn Thất Thiệp, dài 665m. Đường lưu thông hai chiều, cấm xe tải nặng.
2. Lịch sử con đường
Đường này hình thành từ thế kỷ 19, cùng thời với việc xây dựng Kinh thành Huế. Từ năm 1955 trở về trước là kiệt Chương Đức. Sau năm 1956 đổi lại là kiệt Lê Huân. Tháng 1/1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định đặt lại tên mới là đường Trần Nguyên Hãn.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Trần Nguyên Hãn (? - Kỷ Dậu 1429) Trần Nguyên Hãn, danh tướng đời Lê Thái Tổ, dòng dõi quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, quê ở làng Tức Mặc, tỉnh Nam Định, nhưng định cư tại làng gốm Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Khi giặc Minh cướp nước ta, ông cùng Nguyễn Trãi từ Đông Kinh vào Lam Sơn theo Lê Lợi kháng chiến cứu nước. Ông lập được nhiều chiến công, thăng đến chức Tư đồ. Trải qua nhiều năm chỉ huy cầm quân, ông từng đánh thắng lớn ở Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hoá (1425), trận Đông Đô (1426) do đó danh tiếng lẫy lừng. Năm 1427, ông được phong Thái uý. Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, năm 1428 vua Lê Thái Tổ bổ ông làm Tả tướng được ban quốc tánh nên gọi là Lê Hãn. Ông là người thông minh, giỏi binh pháp nhưng tính tình cương trực hay bộc lộ rõ suy nghĩ, nên bị lắm kẻ dèm pha. Ông nhận thấy vị thế của mình sau khởi nghĩa thành công bị đe doạ, mặc dù lúc đó ông đang làm Tướng quốc nên tự dâng sớ xin hưu. Vua Lê chấp thuận. ít lâu sau, có kẻ dèm pha nên Lê Lợi ngờ ông về hưu nuôi mộng làm phản, liền sai bắt. Trên đường áp giải về Kinh qua bến đò Thượng Đông, Sơn Tây ông nhảy sông tự vẫn, vua Lê liền sai bắt vợ con ông, tịch thu tài sản. Đến đời vua Lê Nhân Tông, năm 1455, sau 26 năm xảy ra vụ án, ông mới được minh oan phục hồi danh dự, trả lại tài sản cho con cháu ông. Thời nhà Mạc truy tặng Trần Nguyên Hãn là Tả tướng quân Trung liệt Đại Vương.