1. Vị trí con đường
Đường Trần Khánh Dư nằm trên địa bàn phường Tây Lộc, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Thái Phiên đến đường Lê Đại Hành, dài 350m. Đường lưu thông hai chiều, cấm xe tải nặng.
2. Lịch sử con đường
Nguyên là xứ ruộng thấp trũng, sau năm 1960 cho san lấp để xây dựng khu dân cư mới, nhân đấy mà mở đường này. Năm 1965 đặt tên đường là Trần Khánh Dư cho đến ngày nay.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Trần Khánh Dư (Canh Ngọ 1270 - Kỷ Mão 1339) Trần Khánh Dư, danh tướng đời Trần Nhân Tông, được Trần Thánh Tông nhận làm con nuôi nên về sau phong tước Nhân Huệ Vương. Quê ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Xuất thân trong một gia đình tướng soái, ông từ nhỏ đã mê sách vở, giỏi binh thư, đánh trận cừ tài được phong Phiên kỵ Đại tướng quân, tước Thượng Vị Hầu. Sau vì có va chạm với gia đình Hưng Đạo Vương, ông bị cách hết quan tước, tịch thu tài sản, đuổi về làm dân. Ông nhẫn nhục lui về sống ở quê nhà, làm nghề chặt củi đốt than bán. Tháng 10 năm 1282, trong lúc ông chở thuyền qua bến Bình Than, biết tin, nhà vua cho triệu ông về họp "Hội nghị Bình Than". Thấy ông cực khổ, Trần Nhân Tông xuống chiếu tha tội cho ông và ban cho áo ngự, phong làm Phó đô tướng quân. Năm 1288, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba, ông chỉ huy cánh quân đóng ở Vân Đồn, (Quảng Ninh ngày nay), khi thế giặc mạnh tràn vào, ông không giữ nổi, Thượng hoàng nghe tin, sai sứ đến bắt ông về xử tội. Ông nói với sứ thần rằng: "Lấy quân luật mà xử, đành là tôi có tội, nhưng xin hoãn cho vài ngày để tôi lập công chuộc tội, rồi sẽ chịu búa rìu phê phán cũng chưa muộn". Quả nhiên như ông dự tính, đoàn quân lương của giặc vượt qua bến Vân Đồn, ông chỉ huy toàn quân đánh một trận oanh liệt, diệt và bắt sống được vô số tướng tá binh lính, thu nhiều chiến lợi phẩm. Chiến thắng Vân Đồn làm nức lòng quân sĩ, góp phần làm nên đại cuộc đánh thắng quân Nguyên Mông giải phóng đất nước. Ông trở thành vị tướng kiệt xuất sau bao phen sóng gió, một vị hoàng thân vương tiêu biểu của nhà Trần. Ông mất năm 1339, hưởng thọ ngót 70 tuổi. Ông sáng tác nhiều nhưng chỉ để lại bài tựa đề trước sách "Binh thư" của Trần Quốc Tuấn.