Thân Trọng Một
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Một góc đường
Một góc đường

1. Vị trí con đường

Đường Thân Trọng Một nằm trên địa bàn phường Tây Lộc, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Nguyễn Trãi (bên phải chợ Tây Lộc) đến đường Đạm Phương, dài 103m. Đường lưu thông hai chiều, cấm xe ca xe tải nặng.

2. Lịch sử con đường

Đường này hình thành sau năm 1968, cùng thời với việc mở chợ Trời Tây Lộc. Từ năm 1995 trở về trước, nguyên là đường kiệt nhỏ rải đất biên hòa chỉ dành cho xe lam, xích lô, ba gác đưa hàng vào chợ, thường gọi là đường Hoàng Diệu B (chạy song song với đường Hoàng Diệu A, trước). Tháng 6/1999, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Thân Trọng Một.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Thân Trọng Một (Tân Dậu 1921 - Quý Dậu 1993) Đại tá, anh hùng lực lượng vũ trang, tên thật là Thân Trọng Thoan, còn tên Một là bí danh gọi theo số quân thứ tự trong đơn vị do ông tuyển mộ và chỉ huy. Tổ tiên vốn họ Giáp người Bắc Giang, sau vào Nam trú tại làng An Lỗ, huyện Phong Điền, đến khoảng giữa thế kỷ XVIII đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, chi họ của ông là Thân Văn, sau chuyển vào ở làng Dương Xuân Thượng, xã Thủy Xuân, huyện Hương Thủy (nay thuộc thành phố Huế) một thời gian mới đổi họ nhập qua chi Thân Trọng . Lúc còn nhỏ, gia đình nghèo, ông phải sớm xa quê, lăn lộn kiếm sống vào tận Sài Gòn. Trong cao trào của Cách mạng tháng Tám 1945 đang diễn ra, ông bỏ Sài Gòn về quê gia nhập quân đội cách mạng và trở thành anh lính vệ quốc thuộc Trung đoàn Trần Cao Vân - tức Trung đoàn 101. Năm 1946, Huế vỡ mặt trận, ông bí mật về địa phương vận động, tổ chức thành lập nên một đơn vị chiến đấu riêng, từ vài chiến hữu ban đầu tính từ ông: Một, hai, dần dần phát triển lên tiểu đội, trung đội, đại đội. Năm 1947, ông được kết nạp vào Đảng, giữ chức tiểu đoàn phó. Tháng 12/1950, trong một trận đánh ác liệt, ông bị thương và bị địch bắt giam. Biết ông là người chỉ huy mưu trí dũng cảm, chúng tìm mọi cách dụ dỗ mua chuộc, ông tương kế tựu kế để chúng sơ hở rồi nhanh trí tìm đường trốn thoát trở về chiến khu tiếp tục chỉ huy đại đội chiến đấu. Năm 1954, ông được ra miền Bắc và vào học ở Trường Nguyễn ái Quốc. Sau khoá học, ông được điều vào Quân khu Bốn, chỉ huy tiểu đoàn. Cuối năm 1961, ông chuyển sang làm kinh tế ở Bộ Nông trường, đến tháng 7/1962 thì được lệnh trở lại quân đội vào Nam chiến đấu. Ông từng trải qua các chức vụ: Tiểu đoàn trưởng, Trưởng ban dân quân, Phó tham mưu trưởng Phân khu Trị Thiên. Chiến dịch Mậu Thân 1968, ông là Chỉ huy trưởng Đoàn 5 (ông Nguyễn Vạn làm Chính ủy, sau này là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên) đánh vào nội thành Huế. Ông có nhiều năm là Thành ủy viên thành phố Huế, giữ chức Thành đội trưởng, được phong quân hàm Đại tá. Sau năm 1977, ông chuyển sang làm kinh tế - giữ chức Chủ nhiệm Công ty Hải sản Bình Trị Thiên, năm 1983 thì nghỉ hưu tại quê nhà. Ông mất năm 1993, hưởng thọ 72 tuổi. Thân Trọng Một là người nhiệt tình cách mạng, lúc vào quân đội chưa biết chữ, nói năng diễn đạt vụng về, song là người chỉ huy thông minh, sáng tạo lấy phương châm "cướp súng giặc đánh giặc". Trên đường hành quân hay khi lao vào trận chiến ông luôn đi đầu. Ông nổi tiếng trong cách bày binh bố trận, vạch ra chiến thuật bí mật, bất ngờ, sờ vào tận ổ giặc mà đánh. Là người chỉ huy tài tình của chiến tranh du kích, Thân Trọng Một luôn bám sát thực địa, có khi theo trinh sát đi sâu vào lòng địch kiểm tra tình hình. Ông là người cực kỳ nóng tính, nhưng cũng cực kỳ nhân hậu, thương yêu chiến sĩ hết mực và tin dùng cấp dưới. Nói đến Thân Trọng Một là nói đến lòng dũng cảm với vô số huyền thoại đánh giặc, như "đánh độn thổ, đánh vỗ mặt, đánh bất ngờ". Mỗi trận đánh do ông chỉ huy là một kỳ tích của chiến tranh nhân dân. Huế tự hào có Thân Trọng Một - một huyền thoại sống trong suốt hai cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Do công lao đóng góp cho Tổ quốc, ông được Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quí, và suy tôn Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đường Thân Trọng Một nằm về phía phải của chợ Tây Lộc và chỉ một mặt phố có nhà ở.

Các bài khác
    << < 1 2 3 4 > >>