Thạch Hãn
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:

1. Vị trí con đường

Đường Thạch Hãn nằm trên địa bàn phường Thuận Hòa, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Phùng Hưng, qua ngã tư các đường Lê Huân, Nguyễn Trãi, Nguyễn Cư Trinh đến đường Tôn Thất Thiệp, dài 1030m. Đường lưu thông hai chiều, cấm xe tải hạng nặng.

2. Lịch sử con đường

Đường này hình thành từ thế kỷ 19, cùng thời với việc xây dựng Quốc Sử quán. Từ năm 1955 trở về trước là đường Mã Khái (Tàu ngựa của triều đình). Sau năm 1956 là đường Tăng Bạt Hổ; đến năm 1965 đổi lại là đường Lê Văn Duyệt. Tháng 1/1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định đặt tên mới là đường Thạch Hãn.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Thạch Hãn Thạch Hãn là tên một con sông lớn của tỉnh Quảng Trị (đời Trần có tên là sông Thái Già), bắt nguồn từ vùng Man Sách, La Bát có độ cao khoảng 1100m, giáp giới với huyện Sêpôn nước Lào. Sông chảy ngoằn ngoèo theo nếp uốn của các dãy núi vùng cao Quảng Trị. Rồi chảy qua vùng Lao Bảo, Hướng Hoá, Cam Lộ, Ba Lòng, đổ vào huyện Triệu Phong, Hải Lăng đến làng Thạch Hãn. Tại đây sông Hiếu Giang, sông ái Tử, sông Lai Phước hợp lưu cùng sông Thạch Hãn đổ ra Cửa Việt. ở thượng nguồn, giữa sông lộ ra một hàng đá ngăn ngang từ bờ bên này sang bờ bên kia, sườn đá cao nhọn chồng chất. Nước sông rất trong lại ngọt, ngạn ngữ có câu: "Chẳng làm xạ não cũng là trầm đàn, chẳng làm quỳnh tương cũng là cam lễ". Năm Minh Mạng thứ 17 (1836) đúc Cửu đỉnh nhà vua cho lấy hình sông chạm vào Thuần Đỉnh. Là con sông giàu phù sa nuôi sống đồng bằng phì nhiêu Quảng Trị. Con sông lịch sử của một thời mở nước và giữ nước. Do vậy tên sông được chọn đặt tên cho một con đường của thành phố Huế. Xí nghiệp liên hiệp công trình đường sắt, Nhà vườn ý Thảo nằm trên đường này.

Các bài khác
    << < 1 2 > >>