1. Vị trí con đường
Đường Nguyễn Lộ Trạch nằm trên địa bàn phường Xuân Phú, phía Đông Nam Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Nguyễn Công Trứ (điểm tiếp giáp cầu Vĩ Dạ - Chợ Cống), qua ngã ba đường Văn Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đỗ Cung đến đầu cầu Vân Dương, dài 1512m. Đường hẹp, lưu thông hai chiều, cấm xe tải và xe ca trên 30 chỗ.
2. Lịch sử con đường
Đường được hình thành vào đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc dân làng Phú Xuân gốc từ bắc sông Hương dời sang đây lập cư theo sắc lệnh của vua Gia Long. Nguyên là đường đất nhỏ men theo sông Vân Dương của làng Bình Lục, xã Thủy Phú, thuộc địa phận huyện Hương Thủy. Đến tháng 9/1981, sát nhập vào thành phố, đường này bắt đầu được sửa sang. Từ năm 1995 trở về trước, là đường Nguyễn Công Trứ nối dài. Tháng 6/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Nguyễn Lộ Trạch.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Nguyễn Lộ Trạch (Quý Sửu 1853 - Mậu Tuất 1898) Nhà cách tân đất nước, tự là Hà Nhân, hiệu Kỳ Am, biệt hiệu Quỳ Ưu, Hồ Thiên Cư Sĩ, Bàn Cơ Điếu Đồ, quê ở làng Kế Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, thân phụ là Tiến sĩ giữ chức Tổng đốc hàm Thượng thư, nhạc phụ là Tiến sĩ Phụ chính Đại thần. Ông học rộng biết nhiều, ghét lối từ chương nên không đi thi, chỉ chú tâm vào con đường thực dụng. Ông thường giao du với những người có tư tưởng tiến bộ, chấp nhận cái mới. Năm 1877, nhân một kỳ thi Đình có đề ra nói về thời sự, ông ở ngoài làm bài và dâng một bản Thời vụ sách nêu lên những yêu cầu bức thiết của nước nhà nhưng không được chấp nhận. Năm 1882, Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai, ông lại dâng bản Thời vụ sách II gồm 5 điều cốt yếu để bảo vệ đất nước, trong đó có điểm Dời đô về Thanh Hóa lấy chỗ hiểm yếu để giữ vững gốc nước. Triều đình Tự Đức vẫn không chấp nhận những ý kiến gan ruột của ông. Năm 1892 triều Thành Thái, nhân kỳ thi Đình có ra đề hỏi về "đại thế toàn cầu". Ông lại dâng lên bản Thiên hạ đại thế luận (Bàn chuyện lớn trong thiên hạ), nhưng vẫn bị bỏ qua. Tuy vậy bản Thiên hạ đại thế luận lại được sĩ phu và những người có tư tưởng cách tân nhiệt liệt hưởng ứng, bái phục tài năng xuất chúng của ông. Nguyễn Lộ Trạch được xem là nhà cách tân đất nước tiêu biểu của thế kỷ XIX. Chỉ tiếc rằng ông bị bệnh mất sớm ở tuổi 45, tại tỉnh Bình Định khi tài năng đang độ phát tiết, (năm 1957, con cháu trong dòng họ đã cải táng đưa di cốt ông về yên nghỉ tại nghĩa trang của làng Kế Môn, quê ông). Các chí sĩ như Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Vũ Phạm Hàm, Trương Gia Mô, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, đều tiếc thương và cảm phục một tài năng. Ngoài các văn bản Thời vụ sách, Thiên hạ đại thế luận, Kế Môn dã thoại, ông còn để lại khá nhiều thơ, văn như bản Quỳ Ưu tập. Văn của ông đến như cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng phải kính nể và phong ông là "Văn hào" của nền văn hóa Việt Nam. Lăng mộ ông táng tại độn cát phía Tây của làng Kế Môn, năm 2001 đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Phủ thờ Chưởng cơ Quận Công (con thứ 18 của chúa Nguyễn Phúc Chu), Miếu Cây thị (miếu thờ Mẫu của làng dưới gốc cây thị cổ gần 200 năm ( theo nhà nghiên cứu Tôn Thất Quỵ), Công an Xuân Phú, Chùa Tịnh Giác nằm trên đường này.