Thừa Thiên Huế hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương- Bài 2: Xây dựng bản đồ phát triển bất động sản
25/06/2021 3:17:31 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Tỉnh Thừa Thiên Huế cần phải xây dựng bản đồ phát triển bất động sản của địa phương làm cơ sở để xác định các vùng và trục không gian bảo tồn kiến trúc cảnh quan, không gian khuyến khích đầu tư phát triển bất động sản; ít nhất cần xác định rõ một số khu vực trọng điểm.

   Tỉnh Thừa Thiên Huế cần phải xây dựng bản đồ phát triển bất động sản

   Thị trường bất động sản có những chuyển động mới

   Những năm gần đây, diện mạo của TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều thay đổi tích cực, không chỉ giữ được nét cổ kính của hệ thống di tích Kinh thành Huế mà hạ tầng và không gian đô thị cũng không ngừng được chỉnh trang, mở rộng theo hướng xanh, sạch, hiện đại, góp phần xây dựng TP. Huế xứng tầm đô thị di sản quốc gia.

   Quần thể di tích Cố đô Huế trong nhiều năm qua đã được quan tâm đầu tư, tôn tạo để hướng đến bảo tồn nguyên vẹn. Việc giữ lại hầu như nguyên vẹn trục quy hoạch giữa phía Bắc và phía Nam sông Hương đã tạo nên trục cảnh quan mang dấu ấn kinh thành Huế.

   Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - cho rằng: Cần xây dựng một chiến lược thu hút đầu tư phát triển bất động sản hợp lý, vừa bảo tồn và phát huy được giá trị đô thị di sản Huế, vừa tạo thế mở rộng phát triển TP. Huế trở thành một trong 6 đô thị cấp quốc gia, một đô thị di sản - văn hóa - sinh thái - cảnh quan - thân thiện môi trường và thông minh theo Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị.

   Trong 5 năm trở lại đây, thị trường bất động sản tại Thừa Thiên Huế đã có những chuyển động mới: Khu đô thị An Vân Dương đang thu hút được 56 dự án, bao gồm cả nhà ở thương mại; nhà ở xã hội và các dự án dịch vụ thương mại. Thị trường đất nền tại các dự án khu dân cư mới ở Huế, thị xã Hương Thủy, huyện Phú Vang đang “ấm” lên. Các dự án xây dựng công trình dịch vụ du lịch, văn phòng, căn hộ cao cấp ở bờ Nam thành phố đang chuyển động.

   “Phát triển bất động sản trong bối cảnh Thừa Thiên Huế đang chuẩn bị điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng TP. Huế và thực hiện đề án chuyển toàn tỉnh thành thành phố di sản cấp quốc gia, trực thuộc trung ương, đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy bảo tồn và tư duy phát triển theo nguyên tắc bền vững: Bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn”, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

   Cần chiến lược đúng hướng

   Theo TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn Chính: Việc phát triển bất động sản phải đặt trong định hướng đô thị hóa, hiện đại hóa, phát triển ngành nghề và chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Thừa Thiên Huế nói chung và TP. Huế nói riêng theo lợi thế so sánh của Huế. “Phát triển bất động sản phải tập trung, đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, thành phần tư nhân giữ vai trò chủ đạo, Nhà nước là đối tác đồng hành, nhân dân giám sát; Tạo được việc làm tốt và thu nhập cao hơn cho người dân địa phương; cải thiện được sinh kế và chất lượng sống của họ”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Việc định hướng chiến lược và phát triển các dự án bất động sản đúng hướng sẽ góp phần nâng cao vị thế trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung của đô thị Thừa Thiên Huế

   TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc định hướng chiến lược và phát triển các dự án bất động sản đúng hướng sẽ góp phần nâng cao vị thế trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung của đô thị Thừa Thiên Huế. Các nhà quy hoạch, nhà đầu tư bất động sản phải xác định di sản là lợi thế so sánh nổi bật của Thừa Thiên Huế, để khi quy hoạch, đầu tư các dự án “bảo tồn di sản phải gắn với chỉnh trang đô thị”. Không nên tìm cách phát triển đan xen mật độ và tầng cao quá mức trong các khu vực lịch sử, càng không nên phá bỏ các công trình lịch sử để xây dựng các dự án cao tầng - điều đã xảy ra tại các đô thị lớn của Việt Nam mà nên phát triển các dự án bảo tồn kết hợp chỉnh trang đô thị và tổ chức các hoạt động phù hợp với văn hóa di sản.

   Để thực hiện có hiệu quả các định hướng đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cần phải xây dựng bản đồ phát triển bất động sản Thừa Thiên Huế làm cơ sở để xác định các vùng và trục không gian bảo tồn kiến trúc cảnh quan, không gian khuyến khích đầu tư phát triển bất động sản; ít nhất cần xác định rõ một số khu vực trọng điểm.

  “Phát triển đô thị là yêu cầu tất yếu của bất cứ đô thị nào. Tuy nhiên, ở Huế có những sự cẩn trọng nhất định khi lựa chọn mô hình đô thị phù hợp. Đô thị tương lai, đô thị mới phải phù hợp với đô thị di sản văn hóa, cảnh quan môi trường. Huế ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực, có thương hiệu để chung sức phát triển đô thị di sản mới cho Huế. Do bị hạn chế về mật độ, chiều cao và kiến trúc nên cần những doanh nghiệp mạnh, có tâm huyết và mong muốn đầu tư lâu dài và hoà cùng với sự kỳ vọng về một Huế phát triển và bản sắc”, ông Phan Ngọc Thọ chia sẻ.

Theo Congthuong.vn