Nhiệm vụ này cũng phải gắn liền với việc mở rộng sự quan tâm đến phát triển các lĩnh vực trong cấu thành kinh tế đô thị Huế như du lịch, văn hóa, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, nông nghiệp… để tạo công ăn việc làm, tạo điều kiện cho người dân Huế có thể sống, cống hiến trên quê hương của mình mà không phải đi xa. Điều này diễn ra song song với việc thu hút các nguồn nhân lực có xu hướng tương đồng với văn hóa Huế để tạo ra những thế hệ con người Huế mới nhưng vẫn duy trì được những nét đặc trưng văn hóa Huế; đồng thời, tạo thêm nguồn lực khác cho phát triển đô thị di sản.
Thứ ba, có chủ trương, chính sách đầu tư từ vốn ngân sách, đổi mới tư duy, cải cách hành chính một cách mạnh mẽ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa, khai thác một cách có hiệu quả các yếu tố di sản đang có vào việc tạo ra nguồn lực kinh tế mới nhằm phát triển kinh tế xã hội, tăng thu ngân sách để tái đầu tư phục hồi di tích, đầu tư hạ tầng, chỉnh trang đô thị.
Thành phố Huế có tổng hòa các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, cảnh quan. Ảnh FB Văn Thể Huế
Thứ tư, thành phố Huế có tổng hòa các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, cảnh quan, y tế, giáo dục, công nghệ để đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn đầy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh; từ du lịch sẽ tác động ngược trở lại thúc đẩy các lĩnh vực đó phát triển. Thành phố không xem du lịch như một ngành kinh tế đơn thuần, hơn thế, nó chính là trục động lực để thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế khác phát triển.
Do đó, thành phố Huế sẽ tập trung vào việc tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất để du lịch phát triển thông qua việc đầu tư ngân sách cho phát triển hạ tầng đô thị, giao thông, chợ, các khu vực kinh doanh dịch vụ, đưa ra những cơ chế quản lý hợp lý để người dân có thể phát triển kinh doanh, giải quyết một cách tốt nhất mối quan hệ giữa khả năng cung cấp dịch vụ rất đa dạng của người dân, doanh nghiệp với nhu cầu phong phú của khách du lịch.
Các cơ chế đặc thù được thông qua có ý nghĩa rất quan trọng để tỉnh, thành phố triển khai được các nhiệm vụ trọng tâm đã nêu.
PV: Một trong 6 cơ chế đặc thù của Thừa Thiên Huế là việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản. Để huy động, sử dụng nguồn Quỹ bảo tồn di sản phát huy tốt hiệu quả, Huế cần làm gì, cần lộ trình như thế nào? Nguồn Quỹ này của Huế được huy động, thực hiện bằng những nguồn lực nào?
Ông Phan Thiên Định: Di sản Huế là di sản của Việt Nam và thế giới. Việc bảo tồn di sản Huế qua nhiều năm qua, ngoài nguồn lực từ ngân sách còn có rất nhiều nguồn lực khác huy động được từ sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Việc chính thức hóa và nâng tầm công tác này thành một cơ chế đặc thù cấp quốc gia sẽ giúp cho việc kêu gọi nguồn lực đóng góp trong và ngoài nước được đẩy mạnh hơn, đẩy nhanh tiến trình bảo tồn di sản Huế.
Hiện nay, tỉnh đang cùng với các cơ quan Trung ương chuẩn bị để gấp rút tiến hành các thủ tục ban hành quy định về hình thành và hoạt động Quỹ song song với việc lập ra danh mục các công trình, hạng mục cần được bảo tồn để phê duyệt, công khai kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa.
Quỹ bảo tồn di sản Huế trở thành một cơ chế đặc thù cấp quốc gia giúp cho việc kêu gọi các nguồn lực được đẩy mạnh hơn, đẩy nhanh tiến trình bảo tồn di sản
Với giá trị của di sản Huế và cách làm công khai, minh bạch, khoa học, tôi tin Quỹ này sẽ thu hút được rất nhiều nguồn lực đóng góp từ người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong thời gian tới.
PV: Xin cảm ơn ông!
Tienphong.vn