Kẻ Trài
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:

1. Vị trí con đường

Đường Kẻ Trài nằm trên địa bàn phường Phú Bình, về phía Đông Bắc Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Đào Duy Anh đến sát cửa Đông Bắc (thường gọi Cửa Trài), dài 150m. Quân nhân làm việc tại Viện Quân y 268 đóng ở trong thành Mang Cá Lớn ra vào theo đường này.

2. Lịch sử con đường

Đường được hình thành từ đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc xây dựng Kinh thành. Sau năm 1885, triều đình Huế cắt phần đất Mang Cá làm nhượng địa cho Pháp, đường này nằm trong phần đất ấy. Từ năm 1998 trở về trước, thường được gọi là đường Cửa Trài, dân gian vẫn quen gọi là đường Mang Cá Lớn. Tháng 6/1999, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định đặt lại tên là đường Kẻ Trài.

3. Địa danh lịch sử gắn liền với con đường

Kẻ Trài Là tên gọi dân gian dùng để chỉ cửa Đông Bắc Kinh thành Huế. Nguyên xưa nơi đây là khu vực buôn bán sầm uất của Đàng Trong, có vị trí thuận tiện cả về đường thủy lẫn bộ, do vậy mà người tứ xứ tập hợp về trao đổi mua bán các loại hàng hóa như đồ đồng, đồ sơn, hàng lụa, rồi lại từ đây toả đi khắp nơi. Trong thời gian lưu lại lấy hàng, những nhà buôn này tự dựng lên những căn lều quán tạm bợ, lợp loại ngói thô không tô trát để trú tất và giữ hàng; dân địa phương Thuận Hóa lúc đầu gọi những người này là Kẻ Chợ vì thời nhà Mạc ở đây có chợ Thế Lại, qua thời Gia Long có lập Chợ Mới, song để phân biệt với các kẻ chợ nơi khác, người ta gọi những người buôn bán trú ở những mái nhà, các cửa hàng kiểu ấy là Kẻ Trài, rồi cứ gọi mãi thành ra tên riêng chỉ một xứ đất. Kẻ Trài gắn liền với quá trình hình thành, phát triển thương mại của khu vực cảng cổ Bao Vinh - Thanh Hà, phố cổ Gia Hội cho đến Huế sau này. Để lưu lại dấu ấn một giai đoạn của một khu buôn bán có tên gọi dân gian xưa của Huế, chính quyền địa phương đã đặt tên cho đoạn đường cạnh khu vực ấy là đường Kẻ Trài. Đường Kẻ Trài chạy vào Viện Quân y 268 trong khu vực Mang Cá Lớn. Trước năm 1885, phủ đường Thừa Thiên đóng trong thành và đi vào cửa này.

Các bài khác