Thành phố cổ kính bên bờ sông Hương, nơi một thưở kinh đô của chế độ quân chủ cũng từng là thủ đô một thời của Phật giáo Việt Nam. Phật giáo truyền vào dải đất Thuận Hóa từ thưở vùng đất này còn nằm trong lòng vương quốc Champa, nhưng thực sự hưng thịnh phải đến khi các chúa Nguyễn chọn nơi đây làm đất đứng chân, kiến tạo thủ phủ của xứ Đàng Trong, mời thiền sư Trung Quốc sang truyền giáo. Nơi đây, đã từ lâu các thiền sư Việt Nam kế tục để cho các dòng thiền phát triển đến ngày nay. Một điều lý thú là lịch sử mở mang và xây dựng xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn được mở đầu bằng công trình xây dựng chùa Thiên Mụ với huyền thoại mang ý nghĩa là công trình “quy tụ linh khí, để cầu phúc, cầu lộc, giúp nước, giúp dân...”
Một trong những yếu tố tạo cho Huế cái vinh dự được gọi là thủ đô Phật giáo là vì trên mảnh đất không rộng, người không đông này có số lượng chùa nhiều nhất so với bất kỳ một địa phương nào trên lãnh thổ Việt Nam. Không kể các niệm Phật đường, các chùa khuôn hội, hiện nay ở Huế còn lưu giữ, bảo tồn trên 100 ngôi chùa cổ, trong đó có hàng chục Tổ đình và hầu hết đều giữ được nét cổ kính của kiến trúc Á Đông và Việt Nam. Chùa Huế là một mảng kiến trúc quan trọng đã cùng với quần thể kiến trúc cung đình, kiến trúc dân gian tạo cho Huế cái dáng vẻ riêng biệt “chẳng nơi nào có được”, cái đẹp như tranh họa đồ giữa non xanh nước biếc, thơ mộng và hữu tình.
Các ngôi chùa Huế rải khắp cả trong và ngoài kinh thành, tập trung nhiều nhất là ở vùng gò đồi Dương Xuân, phía tây nam thành phố. Mỗi ngôi chùa tọa lạc trong một khung cảnh thiên nhiên yên tĩnh, siêu thoát. Mỗi khu vườn chùa là một vũ trụ thu nhỏ, đượm tính triết lý nhà Phật và chất văn hóa phương Đông. Đến vãn cảnh chùa ai cũng muốn vào chính điện dâng nén hương thơm và thầm thì từ đáy lòng sâu thẳm với Đức Phật để cầu mong một cuộc sống an lành, hạnh phúc. Sau những lần đến cửa thiền, con người ta tĩnh tâm, thanh thản và sống độ lượng hơn, yêu thương đồng loại hơn, bởi xu hướng tâm linh là dòng chảy tiềm ẩn sâu bền trong con người Huế.
Du khách đến Huế được tham quan cái rực rỡ, huy hoàng, uy nghi của cung điện, lăng tẩm các vua nhà Nguyễn mà không quá bước đến thăm các danh lam cổ tự sẽ chưa hiểu hết cái chiều sâu, cái bí ẩn, cái đa dạng phong phú của vùng đất có nền văn hóa đã định hình mặc dù đã trải qua nhiều biến thiên, nhiều cơn hưng phế. Ở vùng đất này nhiều cái đã bị thiên nhiên tàn phá, lắm điều không được ghi chép trong chính sử, trong sách vở nhưng được truyền tụng trong đời thường và được giữ lại khá nhiều trong các thiền phả, ở những bảo vật trong các ngôi chùa cổ. Bởi vậy mà số lượng trên 100 ngôi chùa chưa hẳn đã làm người ta chú ý bằng chính những gì liên quan tới nó. Nhà kiến trúc, nhà sinh vật cảnh, nhà sưu tập đồ cổ, nhà nghiên cứu âm nhạc, lễ hội...đến chùa Huế đều có thể khai thác được nhiều điều lý thú, bổ ích cho hoạt động của mình. Những người mệt mỏi cuộc đời đến chùa để tìm một chút tĩnh tâm, thư giãn. Thanh niên đến chùa vào ngày nghỉ để tìm một chút thảnh thơi và di dưỡng tinh thần. Những Phật tử Huế đi xa có dịp trở về thăm quê cũng thường đến viếng cảnh chùa để nhớ lại những kỷ niệm êm đềm của một thời quá vãng...
Các chùa Thiên Mụ, Huyền Không, Báo Quốc, Từ Hiếu, Trúc Lâm, Từ Đàm...từ lâu đã trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn được du khách đặc biệt quan tâm, ưa thích. Ngày càng có nhiều đoàn tăng, ni, phật tử và du khách từ mọi miền quê hành hương về những ngôi chùa Huế. Sức hấp dẫn của những ngôi chùa Huế ngày càng tăng đối với du khách gần xa khẳng định giá trị về nhiều mặt của nó, trong đó có giá trị lịch sử và văn hóa.
Phạm Thị Quỳnh Dao